Bật mí bí kíp để kỹ sư xây dựng có mức lương ngàn USD
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, để có mức lương hàng ngàn USD/tháng, kỹ sư xây dựng cần phải có kiến thức, kỹ năng và thái độ tốt, tiếng Anh, tiếng Nhật... là một yếu tố không thể bỏ qua.
Ngày 13/6, tại tọa đàm "Cơ hội và thách thức cho nguồn nhân lực ngành xây dựng Việt Nam trong giai đoạn mới", các chuyên gia nhận định, ngành xây đang gặp rất nhiều khó khăn sau 2 năm ngưng trệ vì Covid-19. Hiện nay, giá vật liệu tăng cao khiến nhiều chủ đầu tư "lao đao". Nhưng ngược lại, thời điểm này cũng là cơ hội để nhiều nhà đầu tư mang thương hiệu Việt khẳng định vị thế.
Dẫn chứng cho nhận định trên, TS. Lưu Xuân Lộc - Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật Xây dựng - ĐH Bách Khoa TPHCM nói: "Nhiều đơn vị ký hợp đồng cuối năm 2021 thì đến nay, tính riêng giá thép đã lỗ 15 - 18%. Chắc chắn các doanh nghiệp sẽ còn rất khó khăn và cần thời gian dài để hồi phục. Do nhu cầu xây dựng hiện nay rất cao, nếu biết nắm bắt cơ hội, đây sẽ là thời điểm để các doanh nghiệp chuyển mình, thậm chí nắm bắt cả thị trường nước ngoài".
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, để nắm bắt được những cơ hội trên, nhân lực là vấn đề then chốt để ngành xây dựng trong nước cạnh tranh với các thị trường quốc tế.
"15 năm trước, thị trường xây dựng trong nước chủ yếu nằm trong các công ty nước ngoài nhưng giờ đây các nhà thầu ngoại đã dần vắng bóng tại Việt Nam. Giờ đây, các công ty Việt Nam, kỹ sư Việt Nam đã tự xây dựng được những tòa nhà chọc trời, những cây cầu, cao tốc... mang thương hiệu Việt. Thị trường trong nước còn nhiều triển vọng nhưng 5 - 10 năm nữa sẽ rất khó cạnh tranh nếu không thay đổi", ông Hải nhấn mạnh.
Chia sẻ với sinh viên tại tọa đàm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mong muốn, Việt Nam sớm nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực trong ngành xây dựng. Khi có nhân lực chất lượng cao, Việt Nam sẽ sòng phẳng cạnh tranh với những thị trường đang xuất khẩu nhân lực xây dựng.
"Thị trường xây dựng trong nước mỗi năm khoảng 60 tỷ USD nhưng thị trường quốc tế hàng ngàn tỷ USD/năm. Nếu cạnh tranh thành công sẽ giúp chuỗi cung ứng, hệ sinh thái ngành xây dựng cùng phát triển, các ngành hỗ trợ cũng phát triển theo. Hậu Covid-19, nhiều doanh nghiệp quốc tế đã rút lui khỏi thị trường vì không duy trì được nhân lực tại địa phương, đây là thời cơ để chúng ta phát triển", ông Hải chia sẻ.
Ông Hải cho rằng, để có thể cạnh tranh nguồn nhân lực, kỹ sư xây dựng cần có kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó, thái độ là quan trọng nhất, khi có thái độ đúng, kỹ năng và kiến thức có thể trau dồi. Hiện nay, các doanh nghiệp đang trả lương cho các sinh viên học xây dựng mới ra trường chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhưng chỉ cần đáp ứng được nhu cầu công việc, thu nhập có thể lên tới hàng ngàn USD.
Thông tin thêm về vấn đề trên, TS. Lưu Xuân Lộc cũng cho rằng: "Sinh viên cần phải xác định khi ra trường phải đáp ứng tiêu chuẩn để trở thành kỹ sư toàn cầu, ra trường có thể làm việc ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ngoài bằng kỹ sư, sinh viên cần bổ sung các chứng chỉ xây dựng quốc tế, trang bị kỹ năng ngoại ngữ để có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới".
Thực tế, TS. Lộc chỉ rõ, một số sinh viên thể hiện kỹ năng mềm chưa tốt. Để có thể dễ hòa nhập với các môi trường tại các doanh nghiệp, các kỹ sư xây dựng cần phải hoàn thiện kỹ năng giao tiếp trong xã hội, kỹ năng xử lý công việc, xử lý quan hệ với đồng nghiệp... Cần học hỏi để làm chủ công nghệ nhằm áp dụng vào thực tế các công trình mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Dự báo nhu cầu nhân lực của ngành xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 400.000 - 500.000 lao động mỗi năm. Số lượng lao động làm việc trong ngành xây dựng vào năm 2030 có thể đạt tới con số khoảng 12 - 13 triệu người. Nhân lực của ngành vật liệu xây dựng dự kiến cũng sẽ tăng lên gần 3 triệu người.