(Dân trí) - Nhìn cách cán bộ Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát chăm chút cho đàn hổ mới cảm nhận hết tình yêu của họ dành cho những "ông ba mươi" này.
Nhìn cách cán bộ Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát chăm chút cho đàn hổ mới cảm nhận hết tình yêu của họ dành cho những "ông ba mươi" này.
Ngày 1/8/2021, 7 chú hổ con được chuyển đến Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, Nghệ An) để chăm sóc, nuôi dưỡng. Chúng vừa được Công an tỉnh Nghệ An giải cứu khỏi bàn tay của những kẻ buôn "hàng con".
"Vào thời điểm chúng tôi tiếp nhận, 7 cá thể hổ khoảng 40 ngày tuổi, trọng lượng từ 3-5kg. Do thiếu ăn và được nuôi nhốt, chăm sóc trong điều kiện không đảm bảo nên sức khỏe rất yếu, gầy, một số con bị tiêu chảy. Sau hơn 4 tháng chăm sóc, đàn hổ phát triển tốt, khỏe mạnh, đạt trọng lượng từ 25-30kg", ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết.
Dẫn chúng tôi vào khu vực nuôi nhốt các cá thể hổ, anh Đặng Thanh Tuấn - nhân viên chăm sóc của Trung tâm yêu cầu thay ủng, sát khuẩn bằng dung dịch chuyên biệt trước khi bước chân vào. Theo anh Tuấn, chăm sóc động vật hoang dã nói chung và các cá thể hổ nói riêng đều phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo loại trừ mọi nguy cơ bên ngoài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng.
"Do khi vào đây các bạn ấy còn quá nhỏ, sức khỏe non yếu, một số con có vấn đề về tiêu hóa nên chúng tôi phải cho bú sữa hoàn toàn. Vài ngày đầu, nhiều con chưa thể quen ngay với việc bú bình, anh chị em phải kiên trì và vỗ về để tập. Theo thói quen, các bạn ấy vẫn đẩy hai chân trước vào bình sữa, chứng tỏ vừa bị dứt ra khỏi mẹ", anh Tuấn cho biết.
Để đảm bảo sức khỏe và các cữ ăn phù hợp với thể trạng, đàn hổ con được cho uống sữa nhiều lần trong ngày. Bình quân 6 cữ một ngày, cách nhau 4 tiếng, bất kể là đêm hay ngày. Khi các cá thể hổ lớn hơn, các cữ ăn có thể giãn ra, xen với những bữa ăn dặm bằng thịt cắt nhỏ để giúp hệ tiêu hóa của hổ thích ứng dần cho đến khi có thể tự ăn được thức ăn thô.
"Chăm hổ còn hơn cả chăm con mọn", Nguyễn Tuấn Dũng - nhân viên chăm sóc của Trung tâm "đúc kết" khi tôi hỏi về công việc đặc biệt này. Thực ra Dũng chưa lập gia đình nên cũng chưa có kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ. "Em thấy người ta bảo chăm con mọn vất vả lắm, nhưng chắc cũng chỉ như chăm hổ thôi", Dũng cười. Mọi biểu hiện khác với bình thường của từng con hổ như màu phân, lượng thức ăn tiếp nhận mỗi lần... đều được Dũng và các đồng nghiệp quan sát tỉ mỉ, ghi chép cẩn thận để kịp thời báo cho nhóm chăm sóc nghiên cứu, điều chỉnh.
"Cứ 4 tiếng một cữ sữa nhưng trước và sau mỗi lần cho ăn đều phải vệ sinh sạch sẽ bình sữa. Mỗi con phải uống một bình riêng, không được dùng chung. Con khỏe cho ăn trước, con ốm cho ăn sau, mỗi lần cho ăn đều phải vệ sinh răng miệng cho từng con, vệ sinh phòng nuôi nhốt sạch sẽ, lau chùi khô ráo và mát-xa để kích thích tiêu hóa", Dũng "bật mí".
"Tôi lấy vợ rồi mới vào đây làm việc. Với kiến thức chuyên ngành đã học, kinh nghiệm được tập huấn và tích lũy, học hỏi từ đồng nghiệp đi trước thì ít nhiều cũng được vợ tư vấn, hướng dẫn thêm về cách thức chăm sóc động vật hoang dã, đặc biệt là đối với những con thú bị thương hay quá non yếu. Thực ra mình ở trong này, tiếp xúc, chăm sóc động vật còn hơn ở nhà. Có lần nửa tháng mới về nhà mà con nhìn thấy bố là "bơ" luôn", anh Tuấn kể.
Công việc vốn đã nhiều do Trung tâm hiện đang chăm sóc nhiều loại chim muông và thú khác nhau, phần lớn đều nằm trong sách đỏ cần được bảo tồn, nhưng từ khi đàn hổ con được đưa về, anh em gần như không có thời gian để nghỉ ngơi hay về thăm nhà. Thậm chí, bạn gái của Dũng còn "ghen" với công việc của anh chàng vì không có thời gian đi chơi hay hẹn hò như những cặp đôi khác. Cũng may, cuối cùng cô cũng hiểu và thông cảm cho công việc của người yêu. "Đã làm bảo tồn, không nói đến mệt nhọc hay khó khăn. Niềm vui của nhân viên chăm sóc như chúng tôi là được thấy động vật khỏe mạnh", anh Dũng chia sẻ.
"Nuôi bộ" - tức là nuôi khi còn bú sữa, theo anh Tuấn, anh Dũng là giai đoạn khó khăn nhất, yêu cầu mỗi cán bộ Trung tâm phải tập trung, tỉ mỉ, nhẫn nại, kiên trì và cẩn thận. Đến giai đoạn hổ lớn hơn, công việc có bớt vất vả hơn nhưng đồng nghĩa là nguy hiểm hơn với nhân viên chăm sóc. Hiện, mỗi con hổ đã đạt trọng lượng 25-30 kg, trung tâm phải chuyển đến một khu nuôi nhốt riêng với 2 phòng thông nhau để đảm bảo an toàn trong quá trình chăm sóc, cho ăn và vệ sinh chuồng trại. Thức ăn của hổ là thịt bò, thịt lợn và thịt gà, phải đảm bảo tươi, sạch, muốn vậy, phải đặt hàng người dân quanh vùng để cung cấp hàng ngày, phải lên thực đơn chi tiết, xoay vòng, đảm bảo về chất và lượng. Toàn bộ chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng đàn hổ do Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam's Wildlife - SVW) hỗ trợ.
"Nay muốn ôm hay vỗ về các bạn ấy cũng chịu rồi", anh Dũng vừa thả những quả bóng nhựa vào chuồng, vừa cười. Đó là một trong những bài tập vận động mà nhân viên Trung tâm "thiết kế" cho đàn hổ. Trong khu nuôi nhốt, những bậc cầu thang hay tiểu cảnh được xây dựng cũng nhằm mục đích giúp đàn hổ tăng vận động, tăng cơ chân, hình thành các bản năng cần thiết. "Chúng tôi treo thức ăn lên những cành cây hay thả những con vật nhỏ vào chuồng để đàn hổ tự săn mồi, tìm kiếm nguồn thức ăn. Dù không thể nhuần nhuyễn như khi theo bố mẹ, nhưng trong môi trường nuôi nhốt vẫn phải tạo điều kiện tốt nhất cho hổ hình thành bản năng càng sớm, càng thành thục càng tốt", anh Dũng lý giải.
Theo ông Trần Xuân Cường, do không xác định được nguồn gen của đàn hổ là gen thuần chủng hay đã bị lai tạp nên đàn hổ này không thể thả về tự nhiên. Điều kiện nuôi nhốt tại đây không đáp ứng được nên Vườn đã có văn bản gửi các Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã để tìm nơi ở mới, đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho đàn hổ nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
"Thời gian vừa qua nói dài thì không dài, nhưng nói ngắn thì cũng không ngắn. Từng đó thời gian anh em dồn hết tâm sức để chăm chút cho đàn hổ, thậm chí còn dành nhiều thời gian cho các bạn ấy hơn là cho con, nên khi các bạn ấy chuyển đến nhà mới chắc chắn sẽ không tránh được buồn và hụt hẫng. Buồn nhưng cũng rất vui vì các bạn ấy tìm được ngôi nhà mới, mà ở đó sẽ được chăm sóc tốt hơn, rộng rãi hơn, có điều kiện sinh trưởng phát triển tốt hơn", anh Tuấn tâm sự.
Nội dung: Hoàng Lam
Ảnh: Hoàng Lam - Lê Ngân
Thiết kế: Nguyễn Vượng