1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bảo hiểm y tế hộ gia đình khó đến tay người nghèo

Mặc dù chương trình mua bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình đã được Bộ Y tế khuyến khích từ đầu năm ngoái nhưng đến nay, số người tham gia ước tính chỉ khoảng 1/9 dân số. Riêng TP.HCM mới có hơn 4,3 triệu người tham gia.

Bảo hiểm y tế hộ gia đình khó đến tay người nghèo - 1

Lý do không phải người dân chưa nhận thấy được lợi ích của BHYT khi mà viện phí và giá dịch vụ y tế đã tăng từ đầu năm 2016 mà do quy định này khó đi vào thực tế, nhất là những đối tượng mà chương trình hướng đến là người lao động nghèo và người khuyết tật.

Quy định mua BHYT theo hộ gia đình bắt buộc tất cả các thành viên trong cùng hộ khẩu phải mua BHYT cùng một lần đăng ký. Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở (tương đương 621.000 đồng), người thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50%, 40% mức đóng của người thứ nhất. Hộ gia đình phải đóng đủ số tiền BHYT theo định kỳ ba tháng, sáu tháng hoặc 12 tháng.

Có thể thấy, mua BHYT theo hộ gia đình giúp tiết kiệm hơn so với mua từng người nhưng vẫn là thách thức với những hộ thu nhập thấp. Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Lan - Phó giám đốc Trung tâm Hành động vì Phát triển cộng đồng (ACDC), chỉ những trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội mới thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí, còn những người khuyết tật không thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội sẽ phải tự mua BHYT theo hộ gia đình.

Như vậy, nếu trong nhà chỉ có một người khuyết tật mà bắt buộc các thành viên khác cũng phải cùng mua BHYT e là không thỏa đáng vì mức sống của đại đa số gia đình có người khuyết tật rất khó khăn.

Tại buổi hội thảo “Tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua BHYT theo hộ gia đình” diễn ra tại TP.HCM vào đầu tháng 4 vừa qua, anh Lan - công an khu vực quận Gò Vấp cho biết: "Đối với các gia đình lao động nghèo, thu nhập thường chỉ đủ đắp đổi qua ngày thì việc bỏ ra hơn 600 ngàn mua thẻ BHYT đã là không đơn giản, trước đây họ chỉ muốn mua cho người bệnh hoặc người già chứ không mua cho người khỏe. Nay muốn mua BHYT cho một người lại phải mua cho 3 - 4 người khác trong gia đình e là “bất khả thi”.

Ngoài ra, việc mua BHYT với người nhập cư, ở nhà trọ rất nhiêu khê, nhất là đối với người làm nghề lao động tự do như xe ôm, bán vé số. Để mua được BHYT hộ gia đình, họ phải có sổ tạm trú dài hạn (KT3) còn hạn sử dụng trong vòng hai năm.

Những người chỉ có giấy xác nhận tạm trú thông thường thì không thể tham gia. Tuy nhiên, hiện nay, thủ tục cấp KT3 cho người ngoại tỉnh lại không hề dễ dàng.

Từ cuối năm 2015, Bộ Y tế đã dự thảo công văn hướng dẫn thực hiện BHYT hộ gia đình theo hướng khuyến khích các thành viên hộ gia đình tham gia BHYT trong cùng một năm để được hưởng mức đóng giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi mà không bắt buộc toàn bộ gia đình phải tham gia cùng thời điểm nhưng đến nay vẫn chưa được áp dụng ở đa số các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.

Theo Bình Minh/Doanh nhân Sài gòn