Báo động tình trạng 13 % người lao động được đóng BHXH tại doanh nghiệp
(Dân trí) - Một điều đáng báo động khi chỉ có 13 % người lao động được tham gia BHXH tại 6 tỉnh giám sát. Số liệu này kém xa mức trung bình 22 % hiện nay trong cả nước và mục tiêu 50% vào năm 2020. Trong khi đó, tình trạng người lao động không được đóng BHXH vì doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản đang nhức nhối.
Còn xa với mức 50 % người tham gia BHXH
Kết luận của Đoàn giám sát liên ngành về việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình doanh nghiệp năm 2015 tại 6 tỉnh, được công bố chiều 23/3 tại Hà Nội cho thấy “bức tranh” không sáng sủa trong việc tham gia BHXH tại các doanh nghiệp.
Theo đó, tỉ lệ 13 % người lao động tại 6 tỉnh đang tham gia BHXH và mặt bằng chung 22 % tham gia BHXH trong cả nước còn có một khoảng khá cách xa với mục tiêu của Nghị quyết 21, theo đó vào năm 2020 tỉ lệ trên phải đạt 50%.
Nguyên nhân có từ nhiều phía, nhưng điểm chính vẫn là ý thức chấp hành pháp luật BHXH của doanh nghiệp chưa cao.
Thừa nhận những khó khăn trong triển khai mục tiêu Nghị quyết 21, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, trưởng đoàn giám sát - nhận xét: “Nếu không xin điều chỉnh thì sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra”.
Tuy nhiên, ông Mai Đức Chính hy vọng trong năm 2016, khả năng đối tượng tham gia BHXH sẽ tăng lên nhờ các quy định của Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực như: Hỗ trợ kinh phí Ngân sách Nhà nước cho nhóm đối tượng BHXH tự nguyện, tăng cường lực lượng thanh tra BHXH của cơ quan BHXH. Đồng thời, quy định của pháp luật về xử lý chế tài hình sự với hành vi trốn đóng BHXH có hiệu lực.
Đơn cử trong 6 tỉnh được giám sát, duy nhất có tỉnh Khánh Hòa đạt tỉ lệ tham gia BHXH là 23% người lao động được tham gia BHXH, còn lại đều ở mức thấp: Tỉnh An Giang chỉ đạt 6,6%; Đồng Tháp đạt 8,3%, Nam Định đạt 12,2 %...
Với tỉ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế, dù chưa đạt mục tiêu nhưng xem ra còn có căn cứ để hy vọng.
Kết quả giám sát cho thấy, tỉ lệ 14% lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 65 % dân số tham gia BHYT tại 6 tỉnh chưa cao.
Nhưng nếu các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp cố gắng, việc đưa các số liệu trên tiệm cận với mục tiêu 35% tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 80% BHYT vào năm 2020 là điều có khả thi.
Làm gì khi người lao động thành “con tin”?
Đề cập tới tình trạng người lao động trở thành “con tin” giữa doanh nghiệp và cơ quan bảo hiểm khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, ông Mai Đức Chính nói: “Doanh nghiệp bị cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện ra tòa. Nhưng việc thi hành án không khả thi vì doanh nghiệp chỉ còn là cái “xác”. Trong khi đó, doanh nghiệp này đã trừ một phần lương của người lao động để nộp BHXH, nhưng chưa chuyển cho cơ quan BHXH”.
Theo nguyên tắc khi chưa đóng BHXH, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ không chi trả các tiền thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, nghỉ hưu hoặc chốt sổ BHXH cho người lao động khi chuyển nơi làm việc mới.
Ông Mai Đức Chính nêu kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, tham mưu việc thực hiện khoản 7 Điều 10 Luật BHXH năm 2014 về việc trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài hoặc có chủ bỏ trốn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, câu chuyện người lao động gặp khó khăn trong tham gia BHXH khi doanh nghiệp bỏ trốn hay phá sản là vấn đề bức xúc trong nhiều năm. “Trong khi đó, hệ thống pháp luật như Luật Phá sản, Luật doanh nghiệp có đề cập nhưng chưa rõ ràng về vấn đề này”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nói: “Việc các doanh nghiệp bỏ trốn không đóng BHXH cho người lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã báo với Chính Phủ. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi cho Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên việc này được trả lời là chưa thực hiện được. Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp thu ý kiến của Tổng LĐLĐ VN, thừa ủy quyền của Thủ tướng để trình lại Ủy Ban thường vụ Quốc hội để tìm một cơ chế về vấn đề này”.
Đồng tình với quan điểm cần xử lý rốt ráo tình trạng người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi BHXH do doanh nghiệp bỏ trốn, ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy Ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN đề xuất: “Ngành BHXH, Tổng LĐLĐ VN cần nghiên cứu thêm các kiến nghị có tính hệ thống về các giải pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động ở doanh nghiệp không thu được BHXH. Đặc biệt, cần có tính tới cả những ràng buộc với doanh nghiệp mới thành lập phải đảm bảo thực hiện đóng BHXH cho người lao động”.
Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách BHXH tại 6 tỉnh trong năm 2015 cho thấy:
- Trong tổng số 24.470 doanh nghiệp của 6 tỉnh, chỉ có 5.597 doanh nghiệp tham gia BHXH. Trong số 5.597 doanh nghiệp trên, có tới 3.631 doanh nghiệp nợ BHXH, chiếm 40 %.
- Doanh nghiệp của tỉnh Nam Định có số nợ BHXH lớn nhất với 130 tỉ đồng; doanh nghiệp của tỉnh Khánh Hòa nợ hơn 86 tỉ đồng; doanh nghiệp tỉnh An Giang nợ 64 tỉ đồng…
- Tỉnh An Giang đã khởi kiện 31 doanh nghiệp nợ BHXH, thu về 1,5/14,5 tỉ đồng nợ BHXH...
Hoàng Mạnh