"Bánh vẽ" sang Campuchia lại khiến hàng chục lao động sập bẫy
(Dân trí) - Nhiều lao động theo chân Nguyễn Thị Lài sang Campuchia làm việc. Muốn về, các lao động phải bỏ tiền chuộc thân, thậm chí tiền chuộc tăng gấp đôi nếu đã bị chuyển nhượng cho công ty khác.
Ngày 15/12, thông tin từ Phòng An ninh điều tra - Công an tỉnh Nghệ An, đơn vị đang mở rộng điều tra để tiếp tục làm rõ hành vi "Tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài trái phép" đối với Nguyễn Thị Lài (31 tuổi, trú xã Diễn Đoài, Diễn Châu, Nghệ An). Nguyễn Thị Lài được xác định đã dụ dỗ, lôi kéo và tổ chức cho nhiều lao động ở Nghệ An sang Campuchia làm việc không đúng quy định.
"Bánh vẽ" chưa bao giờ thôi hấp dẫn
Lài có thời gian dài làm việc ở Đài Loan nên khả năng nói, viết tiếng Trung Quốc tốt. Hết thời gian hợp đồng, người phụ nữ này xin vào làm kế toán cho một công ty Trung Quốc có trụ sở ở Campuchia. Công ty này chuyên hoạt động trong lĩnh vực game online, đầu tư tiền ảo...
Lài được ông chủ người Trung Quốc giao nhiệm vụ tìm, tuyển dụng lao động là người Việt Nam để đưa sang Campuchia làm việc cho công ty. Từ tháng 2/2022, Lài sử dụng facebook cá nhân đăng tải thông tin tuyển dụng lao động với công việc nhàn hạ, thu nhập từ 18 triệu trở lên, không yêu cầu trình độ chuyên môn, miễn là biết đánh máy vi tính.
Tin vào lời quảng cáo này, nhiều lao động, chủ yếu là người dân xã Diễn Đoài đã liên hệ với Lài. Thông qua các buổi tư vấn online, Lài cho biết, lao động không cần chuẩn bị gì ngoài tấm hộ chiếu, phần còn lại Lài sẽ lo. Chi phí đi là 1.200 USD được công ty cho tạm ứng, sẽ trừ dần vào lương.
"Thủ đoạn của Lài là dùng biện pháp công khai để đưa người đi sang Campuchia. Tức là người lao động được Lài và công ty làm thủ tục xuất cảnh qua cửa khẩu sẽ được người công ty đón và đưa vào lao động. Tiếp đó sẽ được ký hợp đồng lao động bằng tiếng Trung Quốc. Cũng bởi hợp đồng hoàn toàn bằng tiếng Trung nên người lao động không nắm được nội dung cụ thể, cũng như các điều khoản về việc làm", một điều tra viên thông tin.
Tính đến thời điểm bị bắt giữ, Nguyễn Thị Lài đã đưa được khoảng 20 lao động, phần lớn là người xã Diễn Đoài, trong đó có cả người thân, người quen sang giao cho công ty ở Campuchia. Theo thỏa thuận với ông chủ, mỗi trường hợp đưa sang Campuchia thành công, Lài được hưởng tiền công 100 USD.
Vỡ mộng
Cơ quan An ninh điều tra xác định Nguyễn Thị Lài không có chức năng, nhiệm vụ đưa người sang nước ngoài làm việc. Người phụ nữ này đưa lao động sang Campuchia theo yêu cầu của ông chủ nhằm lấy tiền công. Việc người lao động ký hợp đồng với công ty hay thực hiện công việc theo sự phân công của công ty hoàn toàn không liên quan đến Lài. Hành vi của Lài đủ cấu thành "Tổ chức cho người khác ở lại nước ngoài trái phép".
Về phần các lao động, sau khi sang Campuchia được giao nhiệm vụ tìm kiếm "khách hàng" nhưng thực chất là dụ dỗ, lôi kéo người tham gia vào các trò chơi đánh bạc hay đầu tư tiền ảo.
"Người nào không chịu làm hoặc không đạt định mức sẽ bị đe dọa, đánh đập, chấm dứt hợp đồng và yêu cầu gia đình gửi tiền chuộc bằng chi phí ban đầu công ty bỏ ra để đưa sang đây. Có trường hợp bị chuyển nhượng cho một công ty khác, đồng nghĩa nếu muốn trở về, người lao động phải mất gấp đôi tiền chuộc", điều tra viên Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An thông tin.
Số người được Lài đưa sang, trong quá trình làm việc, có 5 lao động không trụ được, buộc phải gọi điện về cho gia đình gửi 1.200 USD sang chuộc. Số còn lại đã được "giải cứu" khi lực lượng chức năng nước bạn thực hiện các đợt truy quét các sòng bài phi pháp.
"Thực ra trong vụ việc này, người lao động không phải là không có lỗi. Họ nhận thức được việc sang Campuchia làm việc bằng cách này là không đúng quy định của pháp luật, có sự thống nhất, thỏa thuận với người nhận đưa đi về cách thức đi lại, lương, thưởng và điều kiện làm việc. Việc làm thiếu hiểu biết pháp luật này có thể khiến họ phải đối mặt với nhiều nguy cơ và rủi ro về kinh tế và sức khỏe", điều tra viên cho hay.
Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An khuyến cáo người lao động cần cẩn trọng đối với các lời hứa hẹn việc nhẹ lương cao ở nước ngoài. Nếu có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, người lao động phải tìm hiểu kỹ thị trường, đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện làm việc và thông qua các công ty, tổ chức đã được cấp có thẩm quyền cho phép để được bảo hộ.