“Bảng phong thần” những công ty lớn nhất thế giới
Tạp chí Forbes của Mỹ vừa công bố xếp hạng hàng năm những công ty lớn nhất thế giới. Nước Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia đứng đầu danh sách.
Danh sách 2.000 công ty này bao gồm đại diện đến từ 60 quốc gia trên thế giới, so với con số 51 quốc gia khi Forbes lần đầu thực hiện danh sách này vào năm 2004.
Tất cả những công ty được đưa vào danh sách này đều là các công ty đại chúng và được xếp hạng dựa trên doanh số, lợi nhuận, tài sản và giá trị thị trường. Để lọt vào danh sách của Forbes, các công ty phải là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực tương ứng xét về tăng trưởng, lợi nhuận cho nhà đầu tư và triển vọng trong tương lai.
2.000 công ty trong danh sách năm nay của Forbes có tổng doanh thu đạt 30.000 tỷ USD, lợi nhuận 2.400 tỷ USD, tài sản 119.000 tỷ USD và giá trị thị trường 39.000 tỷ USD. Trên thế giới hiện có tổng số 72 triệu người đang làm việc cho 2.000 công ty này.
Năm nay, nước Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia đứng đầu danh sách các công ty lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, số công ty Mỹ trong danh sách năm nay đã giảm 61 công ty so với danh sách năm ngoái và giảm 153 công ty so với năm 2004. Lý do ở đây là nhiều công ty Mỹ đã không thể đuổi kịp bước tiến của nhiều đối thủ nước ngoài.
Trong khi đó, số lượng các công ty mang “quốc tịch” Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil trong danh sách này đã tăng lên nhanh chóng. Ấn Độ hiện đã có 48 công ty trong danh sách này, so với 27 công ty vào năm 2004.
Nếu phân chia theo ngành, ngành ngân hàng là lĩnh vực có sự hiện diện lớn nhất trong danh số 2.000 công ty lớn nhất thế giới năm nay, với 315 doanh nghiệp. Ngành này cũng chiếm ưu thế áp đảo về mặt tài sản và lợi nhuận. Các ngân hàng có mặt trong danh sách năm nay có tổng tài sản 58.300 tỷ USD và lợi nhuận 398 tỷ USD.
Còn xét về doanh thu, đi đầu là các công ty dầu khí. 123 doanh nghiệp dầu khí trong danh sách năm nay có tổng doanh thu 3.760 tỷ USD. Ngành dầu khí cũng chiếm vị trí thứ hai xét về lợi nhuận, với mức tổng lợi nhuận là 386 tỷ USD.
Phần lớn trong số 130 công ty được đánh giá là hoạt động xuất sắc nhất trong danh sách năm nay có mức tăng trưởng lợi nhuận 25% mỗi năm hoặc thậm chí cao hơn. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận như vậy là dễ đạt được ở những công ty mới thành lập, nhưng lại là chuyện không hề đơn giản đối với những công ty vào hàng blue-chip.
Trong số những công ty này phải kể đến Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC). Ngân hàng này năm nay đã vượt qua đối thủ Mỹ Citigroup để trở thành công ty lớn nhất thế giới xét về tài sản, đồng thời là một trong số 5 doanh nghiệp hoạt động tốt nhất trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu.
Trong 5 năm qua, HSBC đạt mức tăng trưởng doanh thu hàng năm 26% và tăng trưởng lợi nhuận ròng 31%. Theo giới phân tích, mức tăng trưởng này thường chỉ có được ở một ngân hàng khu vực đang phát triển, thay vì một ngân hàng với 10.000 văn phòng tại 83 quốc gia trên thế giới, và khối tài sản trị giá 2.300 tỷ USD như HSBC.
Còn Citigroup, thay vì đứng ở vị trí số 1 như năm ngoái xét về trị giá tài sản, đã tụt xuống vị trí thứ 24 trong danh sách năm nay.
Xét về giá trị thị trường, tập đoàn PetroChina của Trung Quốc tiếp tục đứng đầu thế giới. Nếu tính theo giá cổ phiếu niêm yết, hiện PetroChina có giá trị là 546,14 tỷ USD. Tiếp đó là Exxon Mobil của Mỹ với 465,51 tỷ USD, GE của Mỹ, ChinaMobile của Trung Quốc, Gazprom của Nga... Trong top 10 công ty hàng đầu thế giới theo tiêu chí này còn có một doanh nghiệp khác của Trung Quốc là Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC).
Trong số những công ty hoạt động hiệu quả nhất trong năm qua có những thương hiệu quốc tế nổi tiếng như McDonald’s, Nestlé, Toyota, Walt Disney, Shell, Novartis, ArcellorMittal, Microsoft, Nokia, và cả những cái tên mới như Turkcell (hãng viễn thông không dây lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ) và Infosys Technology (một công ty dịch vụ công nghệ thông tin ở Ấn Độ).
Với lợi nhuận 31 tỷ USD nhờ giá dầu tăng cao, tập đoàn Royal Dutch Shell là doanh nghiệp có mức lợi nhuận tuyệt đối cao nhất, đồng thời cũng là doanh nghiệp có mức lợi nhuận tăng thêm cao nhất (5,9 tỷ USD).
Trong khi đó, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, những doanh nghiệp thua lỗ nặng nhất chủ yếu là các doanh nghiệp trong ngành tài chính - ngân hàng, như Citigroup, UBS, Merrill Lynch… Tuy nhiên, ngôi “quán quân” thua lỗ lại thuộc về hãng sản xuất ôtô GM của Mỹ, với mức thua lỗ 39 tỷ USD. GM cũng là doanh nghiệp có mức lỗ tăng thêm lớn nhất (36,8 tỷ USD).
Theo Kiều Oanh
VnEconomy