1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Ban hành mức lương, phụ cấp đối với công nhân công an

(Dân trí) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 49/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân. Trong đó có mức lương và chế độ đối với công nhân công an.

Về nâng bậc lương, nâng ngạch đối với công nhân công an, Nghị định nêu rõ:

Công nhân công an hoàn thành công việc được giao, đạt tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật quy định và chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương đối với người có hệ số lương từ 3,95 trở xuống và sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương đối với người có hệ số lương trên 3,95.

Trong thời hạn xét nâng bậc lương, nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật hình thức khiển trách thì kéo dài thời hạn nâng bậc lương 06 tháng; nếu bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì kéo dài thời hạn nâng bậc lương 12 tháng.

Trường hợp lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nâng bậc lương trước thời hạn tối đa 12 tháng hoặc vượt bậc;

Công nhân công an hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, có năng lực đảm nhận vị trí công việc cao hơn trong cùng ngành, nghề chuyên môn kỹ thuật, có văn bằng phù hợp thì được xét nâng ngạch.

Ban hành mức lương, phụ cấp đối với công nhân công an - 1

Bảng lương công nhân công an theo Nghị định 49/2019/NĐ-CP

Trong đó:

Mức lương thực hiện: bằng hệ số lương nhân (x) với mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.

Ngạch A, gồm: Nhóm I: Sắp xếp, bố trí theo vị trí công việc yêu cầu trình độ Đại học và trình độ kỹ năng nghề tương ứng; Nhóm II: Sắp xếp, bố trí theo vị trí công việc yêu cầu trình độ Cao đẳng và trình độ kỹ năng nghề tương ứng.

Ngạch B: Sắp xếp, bố trí theo vị trí công việc yêu cầu trình độ trung cấp và trình độ kỹ năng nghề tương ứng.

Ngạch C: Sắp xếp, bố trí theo vị trí công việc yêu cầu chứng chỉ sơ cấp và trình độ kỹ năng nghề tương ứng.

Về phụ cấp và trợ cấp, Nghị định quy định công nhân công an được hưởng các loại như sau: Phụ cấp thâm niên vượt khung; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp đặc biệt; Phụ cấp độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp trách nhiệm công việc.

Phụ cấp công vụ: Áp dụng đối với công nhân công an hưởng lương từ ngân sách nhà nước; Điều kiện, thời gian và mức hưởng phụ cấp công vụ được thực hiện như quy định tại Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về chế độ phụ cấp công vụ.

Phụ cấp, trợ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Điều kiện, thời gian và mức hưởng được thực hiện như quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Về chế độ phụ cấp thâm niên đối với công nhân công an, Nghị định quy định mức phụ cấp sau:

Công nhân công an có thời gian phục vụ trong Công an nhân dân đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (12 tháng) được tính thêm 1%.

Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Thời gian tính hưởng phụ cấp: Thời gian phục vụ trong Công an nhân dân; Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác được cộng dồn với thời gian quy định tại điểm a khoản này để tính hưởng phụ cấp thâm niên.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định thời gian không tính hưởng phụ cấp, gồm: Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên; Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam, sau đó bị kỷ luật buộc thôi việc.

Hoàng Mạnh