Bán 1 kg mít Thái, người dân lỗ bao nhiêu tiền?
Giá mít Thái tại ĐBSCL hiện đang ở mức rất tệ. Người dân cho biết, bán 1 kg mít Thái có thể chỉ thu về được 1/3 chi phí sản xuất bỏ ra, chưa kể công…
Anh Phan Văn Tài ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, giá mít Thái giảm chạm đáy, nếu bán tại vựa bình quân (không phân loại) chỉ được 3.000 đồng/kg, còn bán tại vườn thì chỉ được từ 2.000 - 2.500 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí để có 1 kg mít Thái từ 6.000 - 9.000 đồng/kg.
"Với giá mít Thái hiện nay, người trồng thua lỗ từ 3.000 - 6.000 đồng/kg tùy theo mức độ đầu tư của từng vườn. Đối với vườn trồng nhiều càng lỗ nhiều, vườn trồng ít thì ít lỗ hơn" - Anh Tài nói.
Theo anh Tài, chi phí để có được 1 kg mít Thái không ngừng tăng do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng liên tục, còn cây mít Thái thì thường xuyên gặp bệnh, phải phun thuốc, bón phân liên tục mới phát triển được.
Cũng theo anh Tài, không chỉ có huyện Tháp Mười, người dân ở các huyện khác trong tỉnh Đồng Tháp như Thanh Bình, Cao Lãnh và huyện Châu Thành cũng trồng rất nhiều cây mít Thái và đang bị thua lỗ.
Ông Huỳnh Văn Ẩn ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp thì cho hay, với giá mít Thái giảm như hiện nay, khó có vườn nào có lời được, phần lớn là thua lỗ. Việc thua lỗ do trồng mít Thái không phải xảy ra mới đây mà kéo dài từ lúc dịch Covid-19 xảy ra đến nay. Tùy vào mức độ đầu tư ít hay nhiều sẽ có mức độ thua lỗ tương ứng.
Ông Ẩn nói thêm: "Ngoài áp lực giá giảm, người trồng mít Thái còn áp lực về giá phân thuốc. Mặc dù cây mít Thái đã giúp người dân rất nhiều, nhưng nếu giá mít Thái giảm kéo dài trong thời gian tới thì người dân khó trụ được, phải tìm cách thay đổi cây trồng".
Sáng 28/5, các nông dân ở tỉnh Tiền Giang cho biết, giá mít Thái đang rất tệ. Tại vườn, các thương lái chỉ mua với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg đối với mít Kem lớn, mít Kem nhỏ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Đối với giá vựa cao hơn, từ 6.000 - 7.000 đồng/kg đối với mít Kem lớn, còn mít Kem nhỏ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Giá mít này đã không thay đổi nhiều ngày qua.
Còn nông dân các địa phương còn lại như Sóc Trăng, Vĩnh Long, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang và TP Cần Thơ thì cho hay, giá mít Thái hôm nay 28/5 không tăng không giảm so với hôm qua.
Theo đó, các thương lái vào vườn mua mít Kem lớn chỉ từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, mít Kem nhỏ 2.000 đồng/kg. Còn vựa mua từ 6.000 đồng/kg đối với mít Kem lớn, 3.000 đồng/kg đối với mít Kem nhỏ.
Đối với mít chợ, các thương lái ở ĐBSCL vào vườn mua mít chợ loại 1 từ 2.000 đồng/kg, mít chợ loại 2 từ 1.000 đồng/kg. Các vựa mua mít chợ loại 1 từ 3.000 đồng/kg, mít chợ loại 2 từ 2.000 đồng/kg.
Vựa mít "vui lấy, buồn bỏ"
Một số thương lái ở huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, gần đây có tình trạng vựa "vui lấy, buồn bỏ" đối với lượng mít Thái mà thương lái đem đến, tức là khi thương lái đem mít Thái ra vựa bán, nếu vựa thấy tình hình xuất khẩu thuận lợi hoặc đang thiếu hàng thì mua vào, còn khi thị trường tiêu thụ không ổn, khó bán ra thì không mua từ thương lái.
"Vựa lấy khó lắm, khoảng 8 giờ sáng báo giá cho anh em thương lái đi vào vườn cắt nhưng có khi chỉ 4 tiếng sau, tức 12 giờ trưa đã báo chốt lượng, không lấy hàng" - anh Ngô Văn Hữu - thương lái chuyên mua mít bán cho các vựa ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nói.
Theo anh Hữu, thời điểm này, giá mít Thái ở mức cực thấp kéo theo tiền lời mua bán mít của thương lái như anh bị "bóp" lại, có khi còn bị thua lỗ do mua mít Kem lớn nhưng khi ra vựa chỉ được mua loại Kem nhỏ hoặc bị đẩy xuống mít chợ.
Anh Hữu nói tiếp: "Do nghề lái mít gặp nhiều khó khăn nên nhiều anh em tạm nghỉ, không đi thu mua rồi ra vựa bán rầm rộ như trước đây".
Liên quan đến việc thương lái nói các vựa "vui lấy, buồn bỏ" như đề cập ở trên, một số vựa giải thích rằng, giá mít Thái hiện nay phụ thuộc vào đối tác bên Trung Quốc đưa ra, chưa kể là tiêu chuẩn, cách lấy và số lượng cũng do họ quy định.
Hiện nay, do tình hình tiêu thụ ở Trung Quốc khó khăn nên các đối tác lấy số lượng ít, đòi hỏi chất lượng mít ngày càng cao. Từ đó, các vựa ở Tiền Giang không dám mua số lượng mít nhiều và cũng chỉ lấy những trái mít Thái dạng tốt, hy vọng các thương lái thông cảm.
Chưa dừng lại ở đó, một chủ vựa mít Thái ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang còn cho hay, do giá xăng tăng, thủ tục qua cửa khẩu chậm nên chi phí đội lên cao đã gây áp lực lớn cho các vựa. Đây cũng là lí do tại sao nhiều vựa mít Thái ở Tiền Giang nói riêng, ở ĐBSCL nói chung tạm ngưng hoạt động.