Bài toán đánh giá, trả lương cho công chức theo mức độ đóng góp
(Dân trí) - Có chỉ số phát triển chính phủ điện tử cao thứ ba thế giới, Hàn Quốc quản lý, đánh giá và trả lương công chức dựa trên hiệu quả và mức độ đóng góp của mỗi cá nhân.
Đánh giá và phân loại công chức hằng năm
Ở Hàn Quốc, việc đánh giá công chức được thực hiện hàng năm theo các tiêu chí định lượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả công việc và đảm bảo không bị đối xử bất công.
Hàng năm, các công chức ký hợp đồng công việc (Performance Agreement), trong đó yêu cầu ghi rõ các nhiệm vụ, mục tiêu và kế hoạch trong năm của cá nhân công chức theo vị trí việc làm và chức vụ nắm giữ.
Căn cứ vào hợp đồng công việc đã ký, cá nhân công chức tự đánh giá, sau đó cấp trên sẽ đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu và tiến độ. Mỗi mục đánh giá được tính điểm riêng. Trong đó, hiệu quả đầu ra (mức độ hoàn thành mục tiêu đề ra trong hợp đồng) chiếm 50 điểm; đánh giá năng lực thực hiện công việc chiếm 50 điểm.
Cụ thể, trong mục đánh giá năng lực có 8 tiêu chí: kỹ năng lên kế hoạch, kỹ năng trình bày chính xác, logic và đơn giản hóa công việc, kỹ năng đàm phán, kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần, thái độ vượt khó, sự đáp ứng kịp thời, đúng hạn, thái độ phục vụ nhân dân.
Cách xác định các tiêu chí định lượng giúp cho việc thi thăng hạng, bổ nhiệm công chức vào chức vụ cao hơn, hoặc tăng lương cho công chức đảm bảo công bằng.

Công chức Hàn Quốc được đánh giá hàng năm dựa trên các yếu tố định lượng cụ thể (Ảnh: Yonhap)
Chế độ tiền lương dựa theo mức độ đóng góp
Lương công chức Hàn Quốc chủ yếu được phân loại thành lương theo bậc và lương theo năm.
Lương theo bậc là mức lương được trả theo thâm niên. Trong các đợt thăng chức hàng năm, công chức được tăng bậc lương. Bảng lương theo chương trình bậc lương này khác nhau tùy loại công việc. Các khoản thanh toán gồm lương, nhiều loại phụ cấp khác nhau và đặc biệt tiền lương theo hiệu suất, được đưa vào chương trình để thúc đẩy tính cạnh tranh, tạo động lực cho công chức bằng cách khen thưởng vì thành tích làm việc xuất sắc và các thành tích khác.
Lương hàng năm được xây dựng từ năm 1999, nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh và năng suất trong công chức, xây dựng môi trường làm việc sáng tạo và chăm chỉ, thu hút nhiều chuyên gia có năng lực hơn từ khu vực tư nhân và đảm bảo tính minh bạch của chế độ đãi ngộ.
Lương hàng năm được chia thành 3 loại: lương cố định hàng năm, lương hàng năm theo hiệu suất và lương hàng năm theo công việc và hiệu suất
Lương cố định hàng năm cung cấp mức lương hàng năm cố định theo từng vị trí. Chế độ lương này được trả cho công chức trong dịch vụ chính trị từ cấp Thứ trưởng trở lên. Đây là những người có định lượng về hiệu suất làm việc không dễ dàng so sánh với những người khác. Công chức thuộc chế độ lương này được nhận trợ cấp gia đình, phúc lợi giai cấp, trợ cấp ăn cố định,… ngoài lương theo luật có liên quan.
Lương hàng năm theo hiệu suất được trả cho công chức bậc 5 trở lên và công chức hợp đồng. Các khoản thanh toán bao gồm lương cơ bản cố định theo từng bậc và lương theo hiệu suất. Mức lương này được trả đến mức giới hạn do mỗi bậc quy định. Công chức thuộc chế độ lương này được hưởng trợ cấp gia đình, trợ cấp làm thêm giờ, bồi thường cho ngày nghỉ phép hàng năm chưa sử dụng, trợ cấp ăn cố định, trợ cấp đồn trú tại các khu vực cụ thể, trợ cấp cho nhiệm vụ đặc biệt,… ngoài lương.
Lương hàng năm dựa trên công việc và hiệu suất, được trả cho các thành viên của Dịch vụ Dân sự Cấp cao, có cấu trúc lương tương tự như chế độ lương hàng năm dựa trên hiệu suất. Sự khác biệt chính là lương cơ bản được phân loại thành lương tiêu chuẩn và lương công việc và lương dựa trên hiệu suất chiếm tỷ lệ cao hơn lương cơ bản trong tổng số tiền thanh toán.
Như vậy, tùy thuộc vào đặc thù công việc khác nhau, chính phủ Hàn Quốc có các cơ chế trả lương khác nhau để ghi nhận sự đóng góp, không cào bằng, thúc đẩy sự nỗ lực của cán bộ, công chức.
Mức lương cạnh tranh và tuyển dụng minh bạch, kỳ thi công chức ở Hàn Quốc là một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất trong xã hội Hàn Quốc. Đây là con đường quan trọng để trở thành công chức nhà nước, đặc biệt là trong các vị trí ổn định, lương cao, phúc lợi tốt - điều mà rất nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là giới trẻ, theo đuổi.

Mức lương cạnh tranh khiến nhiều người Hàn Quốc kỳ vọng vào các kỳ thi công chức (Ảnh: Yonhap)
Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý đội ngũ công chức
Hàn Quốc là quốc gia có chỉ số phát triển chính phủ điện tử cao thứ ba thế giới. Từ năm 2000, Hàn Quốc đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đội ngũ công chức mang tên E-Saram thế hệ thứ nhất quản lý nhân sự của tất cả các cơ quan trung ương và cơ quan trực thuộc các bộ.
Từ tháng 4/2009, Hàn Quốc đã chuyển sang thế hệ thứ hai quản lý thông tin nhân sự từ đương chức và đã nghỉ hưu; thông tin tiền lương, phúc lợi, bảo hiểm, các hình thức kỷ luật, đi nước ngoài, làm ngoài giờ. Thông tin này cho phép cơ quan và cấp có trách nhiệm khác được truy cập.
Từ 2012 đến nay, Hàn quốc bắt đầu sử dụng E-Saram thế hệ thứ 3, có phiên bản trên điện thoại, mọi thông tin được lưu trữ trên E-Cloud, cho phép người quản lý và nhân viên báo cáo công việc hàng ngày, cho phép quản lý cả lịch sử tiền lương và các khoản thu nhập khác. Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc vẫn tiếp tục cải tiến, nâng cấp chương trình quản lý này.