Bình Phước:

Bài 3: Gắn kết doanh nghiệp với phiên giao dịch việc làm, khó hay dễ?

(Dân trí) - Việc tổ chức các hội chợ, phiên giao dịch việc làm huy động đối tượng không phù hợp sẽ khiến doanh nghiệp khó tuyển được nhân sự. Đây đang là thực trạng tại Bình Phước.

Nhiều doanh nghiệp chỉ coi các phiên giao dịch việc làm là nơi để quảng bá hình ảnh công ty.

Học sinh, người già tham gia các phiên giao dịch

Từ nhiều năm nay, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tại Bình Phước đều nhận ra thực tế các hội chợ, phiên giao dịch việc làm kém hiệu quả. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến ngành dịch vụ việc làm tại đây ngày càng sa sút trầm trọng?

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh - Trưởng Bộ phận nhân sự Công ty K.T, việc ban tổ chức huy động không đúng đối tượng tham gia là nguyên nhân chính dẫn đến sự việc.

Bài 3: Gắn kết doanh nghiệp với phiên giao dịch việc làm, khó hay dễ? - 1
Cụ thể, các hội chợ, phiên giao dịch việc làm đối tượng chủ yếu là đoàn thanh niên, hội phụ nữ... không có nhu cầu về việc làm.

Do không tuyển được nhân sự nên thời gian qua công ty K.T cũng ít gửi thông tin về tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. 

"Nhiều năm qua chúng tôi đã kết nối với trung tâm dịch vụ việc làm thông qua các hội chợ, phiên giao dịch việc làm nhưng không hiệu quả. Chúng tôi tuyển dụng từ lao động phổ thông đến lao động có tay nghề nhưng đều không có. Do vậy, chúng tôi tham gia quảng bá hình ảnh công ty là chính. Sau 3 năm nay, công ty đã chuyển sang tuyển dụng chủ yếu tại công ty. Hiện nay, công ty chỉ liên hệ với trung tâm trong việc chi trả thất nghiệp cho công nhân", ông Hạnh nói.

Chia sẻ về mô hình tổ chức Hội chợ việc làm, ông Hạnh cho biết cách thức tổ chức hội chợ việc làm tại Bình Dương hoạt động hiệu quả, mỗi tuần họ tổ chức một ngày. Do họ truyền thông tốt nên thu hút được rất đông người tham gia và có khoảng 60% người lao động có nhu cầu việc làm đến tham dự.

"Tôi nghĩ Bình Phước nên học tập cách làm trên, tăng cường tuyên truyền để người lao động không chỉ ở khu vực tổ chức mà các khu vực khác cũng đồng loạt tham gia. Như vậy mới thực sự hiệu quả", ông Hạnh góp ý. 

Bài 3: Gắn kết doanh nghiệp với phiên giao dịch việc làm, khó hay dễ? - 2

Về việc chủ động để thu hút người lao động trên địa bàn, ông Hạnh cũng cho biết đang gặp phải nhiều bất lợi với các thị trường tại Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai. 

"Bình Phước là một tỉnh vùng sâu vùng xa nên khó cạnh tranh về nhân lực. Chỉ những lao động chưa ổn định tại TP HCM, Bình Dương mới tìm đến thị trường này. Công ty cũng đã xây dựng ký túc xá để công nhân ở lại. Những gia đình có trẻ em cũng được tạo điều kiện để thuận tiện việc đưa đón. Tuy nhiên, việc đầu tư bài bản về hạ tầng, đưa đón, nhà trẻ thì vẫn chưa đầu tư được do còn nhiều khó khăn". 

Cùng trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Toàn - Trưởng phòng nhân sự Công ty D.P, cũng cho biết thực trạng không tuyển được lao động qua trung tâm, các phiên giao dịch việc làm nhiều năm qua.

Các doanh nghiệp trên địa bàn phải tự lực hoặc qua một công ty cung ứng lao động để tuyển nhân sự. 

"Để việc hoạt động tại các hội chợ, phiên giao dịch việc làm hiệu quả thì cần phải có kinh phí truyền thông. Về vấn đề này các doanh nghiệp cũng sẵn sàng hỗ trợ để có thể thu hút được nguồn lao động chất lượng cao, tuy vậy, thời gian qua việc làm này giữa trung tâm và doanh nghiệp chưa được bàn tới. Tôi nghĩ tỉnh Bình Phước cần đầu tư nhiều hơn nữa trong công tác việc làm để phát triển nhân lực, thu hút đầu tư", ông Toàn nhấn mạnh. 

Loay hoay bài toán giữ chân người lao động

Trao đổi về những ý kiến từ các doanh nghiệp, ông Lê Văn Mãi - PGD Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước cho biết đó là khó khăn chung và chưa có hướng khắc phục.

Theo ông Mãi, các phiên giao dịch việc làm đang được tổ chức một cách hình thức, đối phó. Sở đang chấn chỉnh tình trạng trên để thu hút người có nhu cầu việc làm tham gia.

Ông Lê Văn Mãi đánh giá về tình hình tuyển dụng lao động

"Chúng tôi và doanh nghiệp đều đánh giá được hiệu quả của các trung tâm việc làm còn thấp kém. Ở đây, nguyên nhân từ phía người lao động và từ phía doanh nghiệp. Doanh nghiệp chưa có thái độ tích cực trong việc tuyển dụng, người lao động thì đòi lương cao nên chúng tôi muốn đáp ứng cũng không được, vì quyền lợi kinh tế giữa hai bên", ông Mãi cho biết.

Đồng thời, ông Mãi cho biết, nhiều doanh nghiệp từ Bình Dương, Đồng Nai cũng lên khảo sát và khi thấy không hiệu quả họ cũng bỏ đi.

Theo ông Mãi, có phiên giao dịch việc làm thu hút được trên 20 doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, các đối tượng tham gia lại toàn là học sinh, người lớn tuổi nên doanh nghiệp không tuyển dụng được. 

"Tỉ lệ người đến phiên giao dịch thì đông nhưng đến để tư vấn việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động tỉ lệ rất thấp, chỉ khoảng vài phần trăm. Ngoài ra, các hình thức khác hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi cũng xác minh tư cách pháp nhân của các doanh nghiệp, của các công ty xuất khẩu lao động nhưng số lượng lao động trong tỉnh đi làm tại các doanh nghiệp cũng không đạt", ông Mãi nói thêm. 

Hiện, doanh nghiệp muốn được hỗ trợ tiền để tự đào tạo. Tuy nhiên, việc này cần phải làm theo quy trình, phải cung cấp đầy đủ kế hoạch đào tạo, chuyên gia đào tạo... nhưng các doanh nghiệp không đáp ứng được. 

"Sắp tới, Trung ương cần đưa ra những chính sách vĩ mô để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp tuyển dụng đào tạo, không thông qua trung gian là các trung tâm hỗ trợ việc làm. Nên thay đổi cơ chế hỗ trợ chính sách cho hoạt động dịch vụ việc làm. Kinh phí bỏ ra nhưng kênh nào hiệu quả nên để cho doanh nghiệp tham gia đào tạo. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thấy được trách nhiệm của mình trong việc tuyển dụng đào tạo nhân lực để hoàn thiện hơn để được sử dụng", ông Mãi đề xuất. 

Xuân Hinh - Phạm Nguyễn