Bài 2: Hoạt động dịch vụ việc làm tại Bình Phước đìu hiu vì Covid-19

(Dân trí) - Thị trường lao động tại Bình Phước thời gian qua phải "chật vật" tìm kiếm nguồn nhân lực bởi còn ít sự hấp dẫn. Trước thực tế đó, dịch Covid-19 lại càng khiến việc thu hút nhân lực khó khăn hơn.

Bình Phước: Thiếu lao động địa phương cung ứng cho thị trường.

Cần tuyển nhiều - đáp ứng ít

Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, ghi nhận của PV Dân trí tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Phước (Sở LĐ-TB&XH Bình Phước), cho thấy chỉ lác đác vài người đem hồ sơ tới xin việc mỗi ngày.

Tình trạng vắng vẻ đã kéo dài trong thời gian qua và khi dịch Covid-19 lan rộng, người xin việc đến trung tâm càng vắng bóng hơn.

Bài 2: Hoạt động dịch vụ việc làm tại Bình Phước đìu hiu vì Covid-19 - 1
Trung tâm Dịch vụ - Việc làm tỉnh Bình Phước thưa thớt người lao động

Theo nhân viên tư vấn tại trung tâm, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng người tới tìm việc năm nay chỉ bằng khoảng 40%. Trung tâm hiện chỉ có một vài người lao động đến xin hưởng các chế độ trợ cấp thất nghiệp. 

Thông tin từ Trung tâm DVVL tỉnh Bình Phước, năm 2019, có 61 doanh nghiệp tới đăng ký tuyển dụng với số lượng là 18.640 lao động. Trung tâm đã tổ chức 7 phiên giao dịch việc làm giới thiệu 5.129 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông.

Năm 2019 trên địa bàn có 31.449 lao động trống và thông tin tuyển dụng tiếp tục được triển khai xuống các xã, phường, thị trấn.

Quý I/2020, Trung tâm tiếp nhận 40 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 2.709 lao động. Tuy vậy đến nay mới có 1.450 người lao động đến trung tâm, gồm: Tiếp nhận tư vấn việc làm có 97 người, tư vấn học nghề 38 người, 1.315 người nhờ tư vấn hỗ trợ về các chính sách, pháp luật lao động.

Bài 2: Hoạt động dịch vụ việc làm tại Bình Phước đìu hiu vì Covid-19 - 2
TT DV-VL tỉnh Bình Phước những ngày giữa tháng 3, gần như không có người đến xin việc

Theo ông Bảo Trương - Phó Giám đốc TT DVVL tỉnh Bình Phước, công tác giới thiệu việc làm những năm qua gặp nhiều khó khăn. Lao động trên địa bàn tỉnh không hào hứng với các công việc được giới thiệu.

"Nhu cầu việc làm rất cao nhưng Trung tâm cung cấp không đủ. Do lao động chủ yếu chọn các công việc mang tính thời vụ. Đặc thù ở Bình Phước là thu hoạch tiêu, điều nên họ chọn các vườn làm việc 5, 7 ngày hoặc vài tháng rồi họ nghỉ chứ không chịu vào công ty làm việc. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của trung tâm. "- ông Trương chia sẻ. 

Bài 2: Hoạt động dịch vụ việc làm tại Bình Phước đìu hiu vì Covid-19 - 3

Theo ông Bảo Trương - Phó Giám đốc TT DV-VL tỉnh Bình Phước, lao động trên địa bàn tỉnh không hào hứng với các công việc được giới thiệu.

Thời gian qua Trung tâm DV-VL tỉnh Bình Phước đã đồng loạt hủy các phiên giao dịch việc làm, hội chợ việc làm do hoạt động không hiệu quả. Thay vào đó, trung tâm chủ yếu tuyển dụng thông qua các cổng thông tin trên các website, facebook... Tuy vậy, hiệu quả đạt được chưa cao.

Trước tình hình nhiều lao động đến xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm cũng đã tiến hành khuyến khích đến làm tại các công ty với công việc và mức lương hấp dẫn hơn. Khi người lao động quyết tâm nghỉ việc, Trung tâm sẽ tiến hành ghi tờ khai hàng tháng và khi có công việc phù hợp sẽ hỗ trợ ngay lập tức. 

Tìm giải pháp

Ngày 1/4, vừa qua, thực hiện nghiêm chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ, trung tâm đã dừng tiếp nhận trực tiếp đối với Doanh nghiệp và người lao động đến liên hệ công tác tuyển dụng, làm thủ tục hưởng trợ cấp trong vòng 15 ngày. 

Để tháo gỡ khó khăn,  TT DVVL tỉnh Bình Phước đã tiến hành kết nối người xin việc và doanh nghiệp phỏng vấn qua điện thoại. Mọi thỏa thuận, hợp đồng, mức lương đều được doanh nghiệp chia sẻ qua điện thoại để người xin việc nắm rõ. Nếu hai bên thống nhất thỏa thuận thì trung tâm sẽ viết giấy giới thiệu để người lao động mang đến công ty để nhận việc. 

Theo ông Bảo Trương, sau một tuần người lao động đến nhận việc trung tâm sẽ tiếp tục gọi điện để rà soát, nắm bắt thông tin. Nếu doanh nghiệp làm trái với thỏa thuận với người lao động như giảm mức lương, tăng việc làm, trung tâm sẽ tiến hành lập biên bản, không giới thiệu lao động đến doanh nghiệp nữa. 

Để phát triển dịch vụ việc làm trong thời gian tới, Trung tâm đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn cập nhật thông tin biến động lao động để trung tâm cung ứng kịp thời. Hiện, các doanh nghiệp trên địa bàn chưa phối hợp với Trung tâm trong việc thông tin lao động đến làm việc, lao động nghỉ việc, nhu cầu tuyển dụng nên Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. 

Bài 2: Hoạt động dịch vụ việc làm tại Bình Phước đìu hiu vì Covid-19 - 4

Nhiều mời gọi lao động đi làm việc ở nước ngoài tại địa bàn Bình Phước.

Năm nay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, công tác xuất khẩu lao động tại đây cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Trên địa bàn Bình Phước chủ yếu giới thiệu lao động đi làm việc ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan nên gần như ngưng hoạt động.

Quý I/2020, trung tâm chỉ giới thiệu được 4 lao động đi xuất khẩu lao động nhưng 2 lao động vẫn chưa thể xuất cảnh.

Về việc gỡ khó cho công tác xuất khẩu lao động, Trung tâm kiến nghị tỉnh Bình Phước hỗ trợ vay vốn cho người dân đi lao động tại nước ngoài.

Hiện, nhu cầu xuất khẩu lao động trên địa bàn rất nhiều, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng cũng đang cần nhân sự nhưng do người dân quá nghèo nên đành hủy bỏ, rất lãng phí. 

Trao đổi thêm về vấn đề trên, ông Lê Văn Mãi - PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước, chia sẻ: "Hiện giờ mình chỉ hỗ trợ vay vốn cho các đối tượng nghèo có nhu cầu đi xuất khẩu lao động là chưa đúng đối tượng. Các hộ nghèo trên địa bàn ít có nhu cầu đi lao động nước ngoài, các đối tượng muốn đi lại không được hỗ trợ nên không thể đi. Sở cũng đã kiến nghị nhiều lần về việc hỗ trợ vay vốn cho việc đi xuất khẩu nhưng chưa có hiệu quả".

Xuân Hinh - Phạm Nguyễn