1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bài 1: Người lao động "bỏ" doanh nghiệp vì mức lương thấp

(Dân trí) - Mức trả lương 5 triệu đồng/tháng của nhiều doanh nghiệp ở Bình Phước đang chưa thu hút được nhiều lao động. Trong khi đó, người lao động có thể lựa chọn nhiều công việc khác với thu nhập khá hơn.

Lương thấp nên bỏ việc

Theo Trung tâm dịch vụ - Việc làm tỉnh Bình Phước, từ đầu năm đến nay lượng người đăng ký tư vấn, tìm việc làm khoảng 1.600 người.

Tuy vậy, số lượng người đến tư vấn chính sách là chủ yếu, chỉ có 74 người đến đăng ký tìm việc làm. Trong đó 47 người được tuyển dụng do trung giới thiệu.

Bài 1: Người lao động bỏ doanh nghiệp vì mức lương thấp - 1
Không chỉ riêng năm nay, nhiều năm nay người lao động đã không còn mặn mà với các công việc trên địa bàn tỉnh. 

"Năm trước em cũng xin vào công ty làm việc nhưng làm được 2 tháng rồi nghỉ luôn do lương thấp quá. Tụi em làm cả tháng mới được hơn 5 triệu, không đủ sống. Lúc đó bạn bè em rủ lên Bình Dương làm lương 8 triệu nên em đi luôn. Làm 8 triệu em còn dư chút đỉnh để gửi về cho gia đình chứ lương 5 triệu trả tiền thuê phòng, tiền ăn là hết sạch rồi anh ạ", Thùy Nhung - ( 24 tuổi, ngụ Phú Riềng, Bình Phước) cho biết.

Cũng theo Nhung, không chỉ cô mà rất nhiều bạn bè đều tới các KCN ở Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai làm việc. Dù rất muốn về quê làm việc nhưng mức lương chưa thực sự hấp dẫn không lôi kéo được những người trẻ nơi đây.

"Lúc đầu cũng nghĩ làm gần nhà để cuối tuần về với ba mẹ nhưng về sau thấy cực quá nên đành chấp nhận nghỉ việc. Ai cũng muốn làm gần nhà, làm việc để phát triển quê hương nhưng do hoàn cảnh vậy nên mình không thể làm khác được. Làm ở xa nhà còn dư chứ làm ở quê có tháng còn về xin tiền mẹ", Nhung chia sẻ thêm.

Bài 1: Người lao động bỏ doanh nghiệp vì mức lương thấp - 2

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Phước chỉ có 1 vài công ty phục vụ đưa đón công nhân, xây nhà trọ cho công nhân. 

Chị Duyên - (27 tuổi, ngụ Đồng Xoài, Bình Phước) cũng cho biết thêm: "Lúc đó hai vợ chồng không tìm được chỗ gửi con học nên em phải ở nhà coi con. Mà anh nghĩ coi, lương công nhân thấp thì sao nuôi nổi hai mẹ con. Hai vợ chồng gồng gánh được hơn 5 tháng thì chồng em xin nghỉ để lên Sài Gòn làm việc, em ở nhà coi con và bán hàng online".

Cũng theo chị Duyên, thỉnh thoảng chị cũng đi hái tiêu, mót hạt điều nên thu nhập hai vợ chồng cũng có thêm chút tiền để tiêu dùng, còn nếu chỉ làm công ty thì chỉ đủ trả tiền phòng trọ, ăn uống. 

Đi mót điều mỗi ngày thu nhập 1 triệu đồng

Bình Phước còn được coi là thủ phủ của cây điều, chiếm gần 50% diện tích điều của cả nước và cũng chiếm hơn 40% sản lượng điều thô của toàn quốc.

Toàn tỉnh có khoảng 75.000 hộ sống nhờ vào kinh tế vườn điều, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài 1: Người lao động bỏ doanh nghiệp vì mức lương thấp - 3

Một người đi mót điều có thể thu nhập từ 500.000 - 700.000 đồng, thậm chí 1 triệu đồng mỗi ngày. 

Nói về công việc hiện nay, anh Hoàng Chiến (ngụ Bình Long, Bình Phước) chia sẻ: "Đi mót điều mấy ngày đã bằng lương làm ở công ty cả tháng. Làm công việc này thời gian cũng rảnh, sáng sớm đi làm thì trưa về nghỉ, nếu trưa đi làm thì chiều về. Hoặc khi nào mệt thì về chứ không gò bó thời gian".

Ngày nào thấp, anh Hoàng Chiến cũng được 500.000 đồng, đủ mua đồ ăn cả tuần. "Nếu hết mùa điều, mình xin đi cạo mủ cao su cho các trang trại" - anh Hoàng Chiến nói.

Trao đổi thêm về vấn đề trên, ông Lê Văn Mãi - PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước - cho biết, việc người dân bỏ lơ các công ty trên địa bàn đã xảy ra từ lâu, gây khó khăn cho công việc tuyển dụng lao động.

Người lao động "bỏ" doanh nghiệp vì mức lương quá thấp

"Đặc thù của Bình Phước là người dân tộc họ sinh hoạt rất tự do thoải mái nên họ chọn những công việc không gò bó thời gian để làm. Mặt khác, việc đi mót điều thu nhập cả triệu bạc mỗi ngày cũng hấp dẫn người dân hơn là đi làm công ty chỉ vài triệu mỗi tháng. Bình Phước cũng là thủ phủ của cao su và các trang trại cũng rất cần người làm, bao ăn ở, trả lương cao nên người lao động họ rất thích. Công việc cạo mủ cao su cũng thoải mái, làm từ 3h sáng tới 8-9h sáng là xong", ông Mãi chia sẻ.

Cũng theo ông Mãi, các khu công nghiệp cũng chưa đưa ra được nhiều chính sách để thu hút người lao động. Hầu hết người lao động đều không hài lòng với mức lương rẻ mạt mà các công ty tại Bình Phước đưa ra.

"Khi đến tư vấn người lao động nghe mức lương 5 triệu là họ thất vọng đi về. Họ đi mót điều có thể thu nhập mấy chục triệu mỗi tháng, lại không phải gò bó vào giờ giấc của doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp đến đầu tư tại Bình Phước đều có năng lực chưa cao. Doanh nghiệp trả lương thấp, chưa tạo điều kiện ăn ở, đi lại, tiện ích cho người dân nên không thu hút được người lao động", ông Mãi nhấn mạnh. 

Xuân Hinh - Phạm Nguyễn