1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bậc lương cách nhau 2-3 %, doanh nghiệp có "đất" để tăng năng suất lao động

(Dân trí) - “Trong điều kiện hiện nay, việc giảm khoảng cách bậc lương từ 5 % xuống còn 2 hoặc 3 % là hợp lý cho doanh nghiệp và người lao động” - ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định về dự thảo của Bộ LĐ-TB&XH điều chỉnh khoảng các bậc lương trong doanh nghiệp.

Bậc lương cách nhau 2-3 %, doanh nghiệp có "đất" để tăng năng suất lao động - 1

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức lấy ý kiến góp ý về việc sửa đổi Nghị định 49/2013/NĐ-CP, trong đó có nội dung điều chỉnh mức khoảng cách “cứng” là tối thiểu 5 % giữa các bậc lương trong doanh nghiệp với 2 phương án.

Phương án 1 là bỏ quy định “cứng” về khoảng cách ít nhất 5 % giữa các bậc lương. Thay vào đó, doanh nghiệp và người lao động sẽ tự thoả thuận khoảng cách giữa các mức lương trên cơ sở độ phức tạp quản lý, cấp bậc hoặc chức danh công tác.

Phương án 2 là giảm quy định về khoảng cách từ ít nhất 5% hiện hành xuống còn ít nhất 3%.

Chia sẻ quan điểm cá nhân, ông Phạm Minh Huân ủng hộ việc bỏ quy định khoảng cách tối thiểu 5 %: “Trong lúc này, nên điều chỉnh giảm khoảng cách từ 5 % xuống còn từ 2- 3 % là hợp lý và vẫn đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu”.

huan

“Về lâu dài, việc để doanh nghiệp tự thoả thuận thang, bảng lương là hợp lý trong điều kiện thương lương lượng của 2 bên được nâng cao. Đặc biệt là năng lực thương lượng của đại diện của người lao động tại cơ sở” - ông Phạm Minh Huân nói.

Giải thích về điều này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng trước đây “nền” tiền lương thấp nên chưa có sự quan tâm nhiều. “Nhưng hiện nay, lương tối thiểu được điều chỉnh theo hướng đi lên liên tục theo từng năm. Chưa kể từ ngày 1/1/2018, mức đóng bảo hiểm xã hội phải tính trên cả mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác” - ông Phạm Minh Huân cho biết.

Khi có quy định tăng lương tối thiểu theo năm, doanh nghiệp phải điều chỉnh ít nhất 2 lần.

“Một lần điều chỉnh để tăng nền lương tối thiểu mới. Một lần tăng để đảm bảo khoảng cách mới theo quy định 5%. Đây là sức ép về chi phí sẽ rất lớn cho doanh nghiệp. Đặc biệt ở những doanh nghiệp thiết kế lương theo thâm niên và không khống chế “mức trần” - ông Phạm Minh Huân nói.

Ngoài ra, ông Phạm Minh Huân cho rằng có sự không công bằng khi cùng làm một công việc nhưng mức lương khác nhau.

Đây cũng là một trong những căn cứ để Bộ LĐ-TB&XH bắt tay vào việc đề xuất sửa đổi Nghị định 49/2013/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định “cứng” về khoảng cách ít nhất 5 % giữa các mức lương, thay vào có có thêm các phương án lựa chọn như trên.

Giải thích đề xuất điều chỉnh khoảng cách ở mức từ 2-3 %, nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Nếu theo phương án 1 ngay trong lúc này (khoảng cách 5 %), nhiều doanh nghiệp ý thức, chia sẻ quyền lợi của người lao động. Nhưng sẽ có trường hợp doanh nghiệp ép tiền công của người lao động xuống vì điều kiện này nọ. Trong khi đó, năng lực thương lượng của đại diện người lao động tại cơ sở còn hạn chế…”.

Đồng thời, việc quy định bậc lương cách nhau 2-3 % còn giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đàm phán nhằm nâng cao năng suất lao động trong môi trường cạnh tranh hiện nay.

Ông Phạm Minh Huân giải thích thêm: “Trước đây trong điều kiện quản lý kinh tế tập trung, Nhà nước ban hành việc quy định thang bảng lương.

Đồng thời do cơ chế thương lượng còn chưa hoàn thiện nên trong Điều 93 của Bộ Luật Lao động đã giao cho Chính phủ xây dựng nghị định bao gồm các nguyên tắc để làm nền tảng cho việc thương lượng giữa doanh nghiệp và người lao động.

Đây là cơ sở để hình thành Nghị định 49/2013/NĐ-CP. Theo đó, doanh nghiệp đang xây dựng thang, bảng lương với khoảng cách mỗi bậc lương cách nhau ít nhất 5 %, với mức lương bậc 1 là lương tối thiểu.

Nhưng trong nền kinh tế thị trường hiện nay, về lâu dài, việc hình thành thang bảng lương nên để doanh nghiệp quyết định trên cơ sở thương lượng giữa doanh nghiệp và người lao động”.

Hoàng Mạnh