Bạc Liêu thành lập Hội Nuôi chim yến
(Dân trí) - Tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức đại hội Hội nuôi chim yến lần thứ I, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Hội nuôi chim yến tỉnh Bạc Liêu hiện có khoảng 50 hội viên tham gia.
Tỉnh Bạc Liêu được xem là một trong những địa phương có số nhà nuôi yến nhiều nhất trong cả nước, với trên 1.000 nhà, ước khoảng 452.000 con.
Nghề này đang phát triển với tốc độ nhanh, nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Thời gian qua, đã có hàng trăm nhà yến có thu hoạch, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Theo ngành chức năng, việc quản lý và phát triển bền vững nghề gây nuôi chim yến là điều hết sức cần thiết.
Theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Hội nuôi chim yến tỉnh Bạc Liêu là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hoạt động theo điều lệ của Hội, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu.
Hội Nuôi chim yến tỉnh Bạc Liêu có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động.
Nhiệm vụ của Hội là tham gia cùng cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch phát triển nghề nuôi chim yến; phối hợp đề xuất UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT tổ chức tập huấn, đào tạo các lĩnh vực nuôi chim yến; kết nối với nghề nuôi chim yến các tỉnh, ngành yến sào hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất.
Đại hội đã thống nhất bầu ông Lương Ngọc Lân, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, giữ chức Chủ tịch Hội Nuôi chim yến tỉnh Bạc Liêu lần thứ I.
Hội nuôi chim yến tỉnh Bạc Liêu hiện có khoảng 50 hội viên tham gia.
Ông Phạm Văn Liếp (một người nuôi yến ở thị xã Giá Rai, cũng là hội viên) cho rằng, khi có Hội Nuôi chim yến, nghề nuôi yến sẽ có tổ chức hơn, không phải manh mún, tự phát như trước.
Thông qua Hội, những người nuôi yến có thể trao đổi cùng nhau để hợp tác, phát triển, xuất khẩu mặt hàng yến, cũng như phần nào tạo công ăn việc làm cho lao động thời vụ.
Huỳnh Hải