Bắc Kạn: Hơn 80 % lao động học nghề tìm được việc làm
(Dân trí) - “Sắp xếp, chuyển đổi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tăng hiệu quả hoạt động, chú trọng phát triển nghề của địa phương. Bên cạnh đó cần giải quyết về cơ bản hồ sơ người có công còn tồn đọng…” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Kạn chiều 28/3.
Cũng tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH, ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Bắc Kạn - cho biết, toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong đó có 15 cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
“Giai đoạn năm 2012 - 2017, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển mới và đào tạo được trên 18.000 người. Có hơn 12.000 người có việc làm sau học nghề, đạt 81,3%. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề của tỉnh hiện nay là 35%” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết.
Tạo việc làm bền vững từ nghề trồng rừng
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý: “Bắc Kạn đã nâng độ che phủ rừng đạt hơn 40%. Đó là một lợi thế để phát huy nghề trồng rừng. Tuy nhiên, để người dân sống được từ nghề trồng rừng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, cần chú trọng dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu và vùng xa, tạo tâm lý yên tâm tâm gắn bó với nghề lâm nghiệp. Qua đó phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, gắn với chương tình xây dựng nông thôn mới”.
Nhận định về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Phạm Duy Hưng cho rằng hệ thống các cơ sở GDNN đang triển khai có hiệu quả việc phục vụ người dân địa phương tham gia đào tạo nghề ở nhiều cấp độ và mô hình đào tạo nghề khác nhau.
Về cơ cấu lao động, tỉnh Bắc Kạn đang chủ trương chuyển dịch theo hướng tăng dần lao động trong các ngành công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ, giảm lao động ngành nông, lâm nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao việc tỉnh Bắc Kạn chủ động rà soát, sáp nhập một số cơ sở GDNN hoạt động không có hiệu quả thời gian qua. Đặc biệt với cơ sở, trung tâm của cấp hội, đoàn thể chính trị.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tìm hiểu công tác đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn đặt vấn đề làm sao nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai công tác giáo dục nghề nghiệp tại Bắc Kạn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Để có hiệu quả cao trong đào tạo nghề ở địa bàn đặc thù như Bắc Kạn, tỉnh nên nghiên cứu tính toán, thu gọn lại thành 1 trường cao đẳng nghề trọng điểm. Đây là cách làm thu được hiệu quả ở nhiều địa phương”.
Đối với quy hoạch các mô hình đào tạo ở cấp huyện của Bắc Kạn, quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH cho rằng đây là nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của cấp tỉnh. Về quản lý chuyên môn, Bộ LĐ-TB&XH chủ trương với định hướng sáp nhập mô hình trung tâm đào tạo nghề, giáo dục thường xuyên thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp ở cấp huyện.
“Tỉnh cần rà soát, tính toán về hiệu quả các trung tâm, cơ sở GDNN; việc tích hợp theo mô hình 3 trong 1 đảm bảo hiệu quả, chất lượng, thu hút người học và đào tạo cung ứng nguồn nhân lực tốt cho địa phương. Trong quá trình triển khai, nếu phát sinh vấn đề thuộc thẩm quyền, địa phương có thể đề xuất tới Bộ. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tiếp nhận những kiến nghị liên quan để xem xét và sẽ có trả lời trong thời gian sớm nhất”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.
Bên cạnh công tác giáo dục nghề nghiệp, Phó Chủ tịch Phạm Duy Hưng cho biết, từ năm 2011 đến nay toàn tỉnh Bắc Kạn đã giải quyết việc làm cho khoảng 193.000 lao động. Trung bình mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 4.927 người.
Để phát triển hơn nữa công tác giáo dục nghề nghiệp, ông Phạm Duy Hưng kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bạch Thông và trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề của tỉnh...
Tháo gỡ vướng mắc hồ sơ người có công còn tồn đọng
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn, toàn tỉnh hiện còn 1.027 đối tượng chưa được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước. Trong đó có 392 hồ sơ người có công tồn đọng, số còn lại là con đẻ hoặc cháu của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Sở LĐ-TB&XH Bắc Kạn cần phấn đấu giải quyết dứt điểm những hồ sơ người có công tồn đọng trong năm 2018-2019. “Hồ sơ nào giải quyết được, phải trả lời dứt điểm không để dân chờ đợi lâu. Linh hoạt giải quyết công khai trong dân, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt đối với các người không còn hoặc thiếu giấy tờ hồ sơ gốc. Bên cạnh đó, cần chống man khai, trục lợi chính sách...” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Phúc Thanh