Đà Nẵng:
Bà nội trợ kiếm ngon 700 triệu đồng/tháng với thớt kính
(Dân trí) - Từ việc sản xuất 300 thớt kính cường lực để bán "cho vui", đến nay, chị Đặng Thị Hằng (ở Đà Nẵng) tiêu thụ gần 15 nghìn sản phẩm mỗi tháng...
Nhận "gạch đá" vì sản xuất thớt kính cường lực
Là một bà nội trợ, chị Đặng Thị Hằng (sinh năm 1989, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng) luôn thấy bất tiện khi phải dùng thớt gỗ để chế biến, cắt thái thực phẩm.
"Mỗi khi sử dụng xong, dù có vệ sinh cẩn thận thì thực phẩm vẫn bám trên mặt thớt, chưa kể là mùa mưa, thớt thường xuyên ẩm mốc. Cỡ vài tháng, tôi lại phải thay thớt gỗ một lần nhưng vẫn cảm thấy không yên tâm", chị Hằng nhớ lại.
Vào thời điểm đó, chị Hằng đang chăm sóc 2 con nhỏ nên đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn, vệ sinh khi chế biến thức ăn cho con. Sẵn ông xã đang kinh doanh ngành kính cường lực, chị nảy ra ý tưởng nhờ chồng làm cho mình một chiếc thớt kính cường lực để dùng trong gia đình.
Do có học về ngành đồ họa nên chị tự tay thiết kế kiểu mẫu, rồi nhờ chồng gia công. Sau một thời gian sử dụng, chị thấy loại thớt này vừa sạch sẽ, dễ vệ sinh lại tiện dụng hơn hẳn so với các loại thớt khác.
"Mê" loại thớt này, chị Hằng ấp ủ ý tưởng sản xuất với số lượng lớn để bán. Thế nhưng, sau khi tham khảo bạn bè, người thân, chị nhận được nhiều ý kiến trái chiều, người ủng hộ ít, người "lắc đầu" lại nhiều.
"Lúc đó, tôi rất lo vì khi hỏi 10 người, hết 8 người không đồng ý. Ai cũng nói kính sao dùng làm thớt được. Nhưng vì bản thân xài thớt đó thích quá nên tôi vẫn quyết tâm theo đuổi", Hằng cho biết.
Năm 2016, chị quyết định sản xuất 300 chiếc thớt kính cường lực bán "cho vui" trên mạng xã hội. Chỉ sau 1h đăng bài, toàn bộ số thớt đã được bán sạch. Thành công ban đầu đó là động lực để chị khởi nghiệp và phát triển thương hiệu thớt kính cường lực cho riêng mình.
Theo chị Hằng, vật liệu để làm ra loại thớt cường lực là những tấm kính "rẻo" (phần kính thừa của những tấm kính lớn sau khi đã cắt để làm công trình). Những mảnh kính thừa có kích thước phù hợp sẽ được giữ lại, cắt thô rồi chuyển sang bộ phận mài, bo góc, khoan lỗ… sau đó mới đem đi nung cường lực.
"Số lượng người dùng thớt kính cường lực ngày càng nhiều, vì thớt có hạn sử dụng dài, ít nhất từ 5-7 năm. Ngoài ra, thớt kính sau khi dùng vệ sinh nhanh, sạch sẽ, không có vết xước dăm… an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người dùng", chị Hằng nói thêm.
Thay đổi thói quen của các bà nội trợ
Thời điểm đầu, những tấm thớt cường lực khá to, dày và nặng. Thớt chỉ là tấm kính trong suốt kích thước 23x32cm với một phần đục lỗ để làm tay cầm. Sau khi nhận phản hồi, đóng góp của khách hàng, chị Hằng cải tiến thiết kế với mẫu mã đa dạng hơn, thớt mỏng, nhẹ hơn, giảm độ ồn khi sử dụng.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, chị Hằng hợp đồng thu mua kính thừa từ các nhà máy kính cường lực trên toàn quốc để làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất. Kính nguyên liệu sẽ được gia công ở nhà xưởng riêng, sau đó, chuyển ra lò nung của gia đình để cường lực trước khi xuất ra thị trường.
Hiện tại, đa phần đại lý phân phối sản phẩm đều là khách hàng từng mua thớt để sử dụng trong gia đình, sau đó, vì quá "mê" nên trở lại đặt vấn đề trở thành nhà phân phối.
Chị Hằng đang phát triển 3 dòng sản phẩm chính gồm: thớt trong suốt, thớt có hoa văn và thớt với viền silicon. Mỗi tháng, chị bán ra thị trường từ 10-15 nghìn sản phẩm, với giá thành từ 150.000 đồng/chiếc/tùy loại, doanh thu khoảng 700 triệu đồng/tháng. Nhà xưởng sản xuất đang tạo việc làm cho 6 lao động với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng và 20 lao động thời vụ.
Khởi nghiệp với thớt kính cường lực, thời gian đầu, chị Hằng phải thay đổi thói quen của các bà nội trợ. Mỗi lần có người hỏi mua thớt, chị đều nhiệt tình tư vấn để khách hàng thấy được tiện ích của sản phẩm. "Tôi muốn các bà nội trợ thay đổi thói quen, để công việc làm bếp trở nên nhẹ nhàng, tiện lợi, dễ chịu hơn", chị Hằng nói.
Dịch Covid-19 khiến nhiều công trình phải tạm ngừng, việc mua nguyên liệu kính thô cũng gặp đôi chút khó khăn. Tuy nhiên, dịp Tết năm nay, số lượng thớt cường lực được đặt hàng, sản xuất tăng lên gấp đôi so với năm ngoái, chị Hằng liên tục bận rộn sản xuất hàng Tết để giao cho đại lý.
"Dịp Tết năm nay, lượng hàng đặt của xưởng tôi là khoảng 45 nghìn chiếc, gấp đôi năm ngoái. Đây là giai đoạn bận rộn nhất trong năm vì phải giao hàng sớm để thương lái bán Tết", chị Hằng nói thêm.