Anh nông dân nuôi dê bằng mít Thái và kết quả khiến nhiều người trầm trồ
(Dân trí) - "Ở đây là vùng trồng mít Thái, những quả mít xấu không bán được thì người trồng phải bỏ nên tôi xin về cho dê ăn. Nhờ đó mỗi năm thu lãi 600 triệu đồng", anh Chương cho biết.
Anh Lê Hoàng Chương (ngụ xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đang là chủ của một trong những đàn dê lớn nhất ở địa phương. Từ 7 năm trước, anh đã bắt đầu nuôi dê. Tới nay, bên cạnh số lượng nhập - xuất liên tục, đàn dê vẫn luôn được duy trì trên 300 con, chủ yếu là dê cái sinh sản.
Dù có đàn dê lớn nhưng anh Chương cho rằng công việc của rất nhàn. Hàng ngày anh Chương kéo xe cải tiến đi quanh vùng xem nhà vườn hay vựa mít nào có nhiều mít bỏ thì xin về cho dê ăn. Mỗi ngày chỉ cho dê ăn uống và dọn chuồng một cữ hết khoảng vài giờ đồng hồ, thời gian còn lại anh đi làm việc khác.
"Ở đây là vùng trồng mít Thái, mít được coi là đặc sản xuất khẩu, thế nhưng những quả mít xấu không bán được thì người trồng phải bỏ. Mỗi ngày tôi xin được khoảng một tấn mít, chiếm phần lớn thức ăn cho dê trong ngày. Số mít này hoàn toàn miễn phí, cho vào máy băm nhỏ là dê ăn được.
Chi phí lớn nhất là mỗi ngày mất khoảng 300 nghìn đồng mua cỏ. Dê lành, ít bệnh, giá ổn định và tương đối cao nên nuôi rất an tâm, hiệu quả", anh Chương chia sẻ.
Theo anh Chương, bán dê thịt tuy nhanh thu được tiền nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Anh Chương chọn cách chăm dê cho đến lúc thành thục để bán dê giống hoặc dê sinh sản để có giá cao hơn, chỉ những con phẩm chất kém mới nuôi lấy thịt.
Chuồng dê được anh Chương dựng theo kiểu nhà sàn, làm bằng gỗ, thoáng mát, khô ráo vì vậy không phát sinh mùi hôi. Dê nhờ có nguồn thức ăn chất lượng, chỗ ở tốt nên con nào cũng khỏe mạnh, trơn lông mượt da và nhanh lớn.
"Mỗi năm tôi bán khoảng 300 con dê. Nhờ chi phí thấp nên thu lãi khoảng 600 triệu đồng. Đàn dê cũng giúp nhiều hộ dân xung quanh có thêm thu nhập nhờ bán cỏ. Chính quyền địa phương rất tạo điều kiện và thường xuyên dẫn các hộ dân muốn nuôi dê đến học hỏi mô hình của tôi", anh Chương cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Hoa (52 tuổi) cho biết, gia đình bà và các hộ khác trong ấp mỗi khi dọn vườn lại đưa cỏ đến bán cho anh Chương thay vì phải tìm chỗ bỏ đi như trước kia. Nhờ có đàn dê của anh Chương, mỗi tháng một hộ dân như bà Hoa có thể kiếm thêm một triệu đồng từ việc bán cỏ.
Một bộ địa phương cho biết, mô hình nuôi dê của gia đình anh Chương là mô hình kinh tế điển hình, hiệu quả ở địa phương, vì vậy rất được ủng hộ và khuyến khích nhân rộng.