Ám ảnh mưu sinh với nghề treo mình trên giàn giáo cheo leo
Vất vả, cực nhọc, nguy hiểm rình rập là những điều mà người ta thường hình dung về nghề thợ hồ. Dù vậy, nó lại là công việc mà rất nhiều người lao động xa quê chọn để mưu sinh ở Hà Nội.
Những người thợ hồ ở Việt Nam thường không được đào tạo bài bản mà chủ yếu là tự học hay được những người đi trước dạy lại ở công trường. Thợ hồ thường được phân thành hai loại là thợ chính và thợ phụ hay còn gọi là phụ hồ. Những người phụ hồ thường là những người mới vào nghề, làm những công việc như xách nước, trộn hồ, khiêng gạch,... Qua một thời gian học việc có thể lên thợ chính.
Bác Ngô Văn Rồng, quê ở Thanh Hóa hiện đang làm thợ hồ ở một công trình trên đường Hồng Hà, Hà Nội chia sẻ: “Nghề này vất vả mà nguy hiểm thật đấy nhưng vì miếng cơm, manh áo vẫn cứ phải làm thôi, ngót nghét cũng 20 năm rồi”.
Leo trèo trên những giàn giáo đầy rủi ro là một trong những việc tất yếu của người thợ hồ. Tuy nhiên việc đảm bảo an toàn lao động cho họ vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Nghề phụ hồ vốn tưởng chỉ phù hợp với nam giới nhưng vì mưu sinh mà nhiều người phụ nữ vẫn chọn và gắn bó dù rất nặng nhọc.
Những người làm thợ hồ ở Hà Nội hầu hết là những lao động nhập cư từ các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hòa Bình,... Có những người làm dài hạn, cũng có nhiều người làm thời vụ rồi về quê hoặc chuyển sang các công việc khác. Trung bình mỗi tháng một người thợ phụ thu nhập khoảng 5 đến 7 triệu đồng, còn thợ chính thì có mức thu nhập cao hơn, khoảng 8 đến 10 triệu đồng. Để có được mức tiền lương ổn định, người thợ hồ phải làm việc chăm chỉ từ sáng sớm cho tới chiều tối, leo trèo, đứng trên những giàn giáo nguy hiểm mà chỉ cần sẩy chân hay lơ đễnh một chút cũng có thể mất cả tính mạng.
Phụ hồ mới vào nghề đều bắt đầu bằng những công việc như trộn hồ, xách hồ, khuân gạch,...
Giây phút nghỉ ngơi ít ỏi ngay trên giàn giáo của người thợ hồ.
Giữa thành thị đắt đỏ, để tiết kiệm và thuận tiện cho công việc, những người thợ hồ thường sống tập trung ở những khu nhà trọ cũ kĩ hay những chiếc lán dựng tạm bợ ở gần công trình, thậm chí là sống trong công trình đang xây dựng. Do đó mà việc sinh hoạt trở nên vô cùng bất tiện cũng như không đảm bảo sức khỏe cho người thợ. Họ thường là lao động chính trong gia đình, số tiền kiếm được phải đánh đổi bằng mồ hôi công sức cũng chỉ để dành dụm gửi về quê.
Theo Báo Lao Động