9X bỏ việc lương nghìn USD, đưa món ăn quê đến 20 nước
(Dân trí) - Xuất phát từ tình yêu, nhớ quê nhà Quảng Trị, Nhật Thuận quyết định bỏ công việc lương nghìn USD mỗi tháng để khởi nghiệp, đưa món bánh canh cá lóc đặc sản địa phương đi khắp thế giới.
Bánh canh cá lóc đi Mỹ
Đưa hơn 200.000 gói cháo bột cá lóc đến 20 quốc gia là kết quả mà anh Nguyễn Đức Nhật Thuận (33 tuổi, ngụ tại TPHCM) đạt được, sau hơn 1 năm dốc sức mang món ăn quê nhà vượt biên giới.
Nói về kết quả này, chàng trai khiêm tốn đánh giá "vẫn còn cách kỳ vọng rất xa". Song, Thuận cũng tự hào khi càng nhiều người biết tới đặc sản của quê hương Quảng Trị.
"Cháo bột hay còn gọi bánh canh cá lóc, là món mà người con Quảng Trị nào đi xa đều nhớ, thèm. Thành công với tôi, khách hàng không chỉ là người Quảng Trị mà ở khắp cả nước, thậm chí ở nước ngoài cũng rất yêu thích", anh Thuận nói.
Thấu nỗi lòng nhớ quê của người con xa xứ, anh Thuận nảy ra ý tưởng chế biến, đóng gói món cháo bột cá lóc vài năm trước. Thuận trăn trở, sao để mỗi khi thèm món ăn này, thực khách có thể được đáp ứng ngay, bất kể khoảng cách địa lý. Hơn hết, độ tươi, hương vị nguyên bản của món ăn vẫn giữ được như ăn ở quán.
Năm 12/2021, anh Thuận bắt tay vào nghiên cứu cách đóng gói, bảo quản sản phẩm. Mất hơn nửa năm, anh làm ra được phiên bản cháo bột cá lóc tiện lợi giống như mì tôm.
Nhờ có kinh nghiệm mở nhà hàng hơn 7 năm, anh nhắm được trúng khẩu vị của khách hàng nên sản phẩm nhận phản hồi khá tích cực. Giai đoạn đầu ra mắt, anh Thuận có những đơn hàng nhỏ, đến tháng 12/2022 đã xuất hàng trăm gói cháo bột cá lóc đến Mỹ, qua đường... xách tay, dù kỹ thuật còn thô sơ, thủ công.
Sau đó, tham dự một cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đạt được giải nhất, xưởng của Thuận được Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Trị giới thiệu, cung cấp một số máy móc phù hợp với tiêu chuẩn chế biến, đóng gói hàng xuất khẩu đi Mỹ.
Tháng 5/2023 là cột mốc mà Thuận khó có thể quên. Từ việc bán lẻ, anh chính thức ký được hợp đồng với đối tác tại Mỹ để phân phối độc quyền bánh canh cá lóc ăn liền vào các siêu thị. Với giá thành bán lẻ 50.000 đồng/gói, đến nay Thuận đã cung cấp ra thị trường 200.000 sản phẩm sau hơn 1 năm ra mắt.
Nguyên liệu làm bánh canh được anh Thuận nhập từ Quảng Trị, giúp giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp quê hương. Đồng thời, anh còn tạo công việc cho một lượng lao động tại đây.
"Ở quê ngoài làm ruộng ra thì người dân không biết làm gì, thu nhập khá thấp. Những người trẻ như tôi ấp ủ ý định khởi nghiệp, nhưng vì nhiều lí do, rất ít người dám mạnh dạn làm. Nếu may mắn, mô hình khởi nghiệp này thành công, tôi mong có thể truyền cảm hứng, động lực tới anh em, bạn bè ở quê", anh Thuận tâm niệm.
Năm trước nhận lương nghìn USD, năm sau về quê với 500.000 đồng
Anh kể về động lực dẫn dắt mình: "Ngày xưa khi tôi vào TPHCM học, khắp các tuyến phố, con đường có thể thấy biển hiệu bún bò Huế, phở Hà Nội, mì Quảng... nhan nhản mà không thấy món nào của Quảng Trị. Một người bạn hỏi tôi quê ở đâu, tôi trả lời thì bạn ấy hỏi "Quảng Trị có phải ở Huế không?". Lúc đó tôi mới nghĩ bụng, một ngày nào đó phải làm cho nhiều người biết tới quê hương mình".
Trăn trở đó theo đuổi ngay cả khi anh đã tốt nghiệp đại học, vào làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu năm 2013 với mức lương đáng mơ ước lúc đó, hơn 20 triệu đồng/tháng.
"Lương cao, cuộc sống ổn định nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng muốn tìm một con đường đi riêng. Làm được hơn 2 năm, tôi nộp đơn nghỉ việc, ai cũng bất ngờ", ông chủ 33 tuổi bộc bạch.
Không chỉ đồng nghiệp, các sếp khuyên ngăn, ba mẹ Thuận là người phản đối nhiều nhất. Ông bà ở quê làm nông, vất vả quanh năm nên luôn muốn con cái có cuộc sống ổn định. Khi đã thuận lợi, ổn định với công việc cùng mức lương rất cao con trai lại bỏ ngang, ông bà lo lắng không yên.
Nóng lòng khởi nghiệp, Thuận quyết định mở quán bán bánh ướt thịt luộc, cất công mang nguyên liệu từ quê vào TPHCM. Và người chưa từng nấu ăn như anh bắt đầu học nấu từ mẹ, đổ hết cả số vốn tích cóp được.
Không ngờ, dù không gian quán chỉ vừa đủ nhét 5 bộ bàn ghế nhựa, nhưng khách kéo đến nườm nượp. Đến năm 2018, Thuận mở thêm 2 quán. Và sóng gió bắt đầu ập đến.
Vì là dân tay ngang, Thuận không có kinh nghiệm quản trị tài chính, nhân sự. Cuối năm 2018, các quán ăn của Thuận rơi vào khủng hoảng. Thời điểm đó, anh như người mất hồn khi lần lượt phải đóng cửa, cố gắng gượng cũng chỉ giữ lại được 1 chi nhánh.
"Nhớ nhất là lúc vét hết tiền, đi vay để trả lương cho nhân viên, trong túi tôi chỉ còn lại 500.000 đồng về quê ăn Tết. Mấy năm trước còn nhận lương nghìn USD, năm đó trở về trong bẽ bàng, thua lỗ. Gọi điện về cho ba mẹ chỉ biết chảy nước mắt, rồi nói xin lỗi thôi", anh Thuận bùi ngùi nhớ lại.
Quyết chí vực dậy, Thuận đóng cửa phòng, bỏ nhiều ngày để suy nghĩ cách chỉnh lại mô hình kinh doanh. Xác định hướng giữ chân thực khách tốt nhất là chất lượng, thái độ phục vụ, Thuận dần khôi phục cửa hàng. Đến tháng 8/2019, anh hết nợ.
Sau đó, anh học nấu thêm cháo bột cá lóc, bún mắm nêm, bún lòng xào nghệ,… và cuối cùng là phát triển sản phẩm gói cháo bột cá lóc như hiện tại. Cơ sở sản xuất của anh hiện được tỉnh Quảng Trị tạo điều kiện cấp đất dự án, áp dụng chính sách hỗ trợ, giúp anh mở nhà máy sản xuất cháo bột cá lóc đóng gói.