90 ngày đầu tiên trong cương vị mới
Được thăng chức luôn là một sự kiện đáng để ăn mừng. Tuy nhiên, nắm giữ nhiều trách nhiệm hơn cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực và căng thẳng.
Giai đoạn chuyển giao giữa hai vị trí đóng vai trò quan trọng trong thành công của bạn ở cương vị mới. Dưới đây là những điều bạn cần làm trong 90 ngày đầu ở cương vị mới:
Tạo dựng uy tín. Tránh ra quyết định quá vội vàng trong những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ mới, thay vào đó, thể hiện rõ bạn là người có trách nhiệm và uy tín. Hãy để ý quan sát, lắng nghe và thận trọng quyết định, không quên gửi đi thông điệp rằng bạn đánh giá cao những đóng góp của các thành viên khác trong đội.
Giao tiếp không ngừng. Cách thức bạn giao tiếp phải thay đổi khi bạn đã tiến xa so với vạch xuất phát. Thường khi đứng ở vị trí cao, bạn sẽ nhận được những thông tin đã được cấp dưới sàng lọc kĩ càng và đôi khi thiếu chính xác.
Chính vì thế, hãy thiết lập một kênh thông tin mới bằng cách trực tiếp đối thoại với khách hàng và các đối tượng khác. Thêm nữa, những buổi trao đổi thẳng thắn sẽ giúp nhân viên của bạn thoải mái hơn khi nói về những tin xấu hay các vấn đề nảy sinh , từ đó có thể tìm cách giải quyết ổn thỏa.
Tập trung vào chuyên môn. Khi bạn được thăng chức cũng là lúc các mối quan hệ của bạn cần được cơ cấu lại. Sau đó, hãy lập một danh sách các nhân viên giỏi có thể trở thành trợ thủ đắc lực cho bạn. Hãy gạt những mối quan hệ cá nhân sang một bên và dành sự quan tâm tới những mục tiêu và kết quả của hoạt động kinh doanh.
Thay đổi cách giao nhiệm vụ. Trước đây, có thể bạn đã quen với việc giao phó những nhiệm vụ hoặc dự án cụ thể nhưng trong vị trí mới, bạn cần phải thay đổi. Khi bạn quản lí 10, 100 hay 1000 nhân viên, mức độ quan tâm của bạn đối với từng chi tiết công việc cũng sẽ giảm dần. Vì thế, bạn sẽ phải điều chỉnh các mối quan tâm sao cho hợp lí và học cách tìm hiểu mọi việc hiệu quả hơn từ nhiều nguồn.
Tìm kiếm cố vấn mới. Hãy tìm kiếm những lời khuyên mới để có thể kiểm soát được sự căng thẳng khi nhận một nhiệm vụ có tính chính trị cao hơn, nhiều công việc hơn và kết quả công việc phụ thuộc vảo cả một đội ngũ chứ không riêng bạn. Nhiều người thường dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ áp dụng vào công việc mới nhưng làm như thế sẽ không giúp bạn tiến xa trong tương lai. Tìm những người đã thành công trong vị trí tương tự và học tập từ họ.
Đón nhận phản hồi từ sếp và thuộc cấp. Để chắc rằng bạn đang đi đúng hướng, hãy yêu cầu sếp và cả nhân viên dưới quyền nhận xét thẳng thắn về công việc của bạn đồng thời đưa ra những hướng dẫn giúp bạn sửa đổi, tiến bộ. Nhờ vậy, bạn sẽ sớm có được thành công và nâng cao tinh thần cũng như uy tín trong công việc.
Theo Kiemviec.com