8X từ tay trắng thành… "vua ốc nhồi", thu lãi hơn nửa tỷ đồng mỗi năm
(Dân trí) - Từng làm nhân viên ngân hàng, lái xe taxi, công nhân may… nhưng đều thất bại. Khi đang trắng tay, anh Duy bất ngờ bén duyên với con ốc nhồi và thành công ngoài sự mong đợi.
Không nghĩ có thể làm giàu từ ốc
Gặp chàng trai có dáng cao gầy, làn da đen sạm, cả ngày lầm lũi ngoài đồng ruộng, không ai nghĩ anh là ông chủ hợp tác xã, "vua ốc nhồi" lớn nhất Ninh Bình. Nhờ nghề nuôi ốc, chế biến các món ăn từ ốc, mỗi năm anh Đỗ Ba Duy (35 tuổi) ở phường Yên Bình, TP Tam Điệp kiếm được số tiền khiến vạn người mơ.
Anh Duy kể, trước kia từng bôn ba nhiều nơi, làm nhiều nghề kiếm sống như nhân viên ngân hàng, lái xe taxi, buôn điện thoại, rồi công nhân may. Sau nhiều năm lăn lộn mưu sinh, kinh tế của anh vẫn là con số 0 tròn trĩnh, không dư giả được bất kỳ một đồng nào.
Năm 2020, khi đang làm công nhân may, trong lần đi ăn cùng bạn, thấy món ốc nhồi hấp dẫn, được nhiều người ưa chuộng. Bất chợt, trong đầu Duy nghĩ, sẽ làm giàu từ loài xưa kia là món ăn dân giã giờ lại rất quý hiếm, thành món ăn đặc sản này.
Vừa đi làm Duy vừa lên mạng tìm hiểu cách nuôi và đi tham quan học hỏi các mô hình đã nuôi ốc thành công. Anh vay mượn góp được số tiền 20 triệu đồng đầu tư mua số lượng lớn ốc giống về nuôi. Kinh nghiệm chưa có, chỉ nuôi được thời gian ngắn ốc chết gần hết, số tiền vốn có được "đội nón ra đi".
Không nản chí, làm được đồng lương nào chàng trai 8X lại đổ vào mua ốc giống về nuôi. Anh dành trọn thời gian để mày mò tìm ra phương thức chăm sóc, nhưng ốc lại tiếp tục chết khiến anh trắng tay thêm một lần nữa.
Tưởng chừng sau 2 lần thất bại, Duy sẽ bỏ cuộc nhưng chàng trai quyết nghỉ làm công nhân, ở nhà nghiên cứu giải pháp nuôi loại đặc sản này.
Cần mẫn và nuôi sống được một số lượng nhỏ ốc qua mùa đông, năm đầu tiên anh Duy cho sinh sản và đã nhân dần lên đến cả vạn con. Anh cũng không ngờ tới, chỉ có số lượng ít ốc bố mẹ sau mỗi lần sinh sản ra bọc trứng mà nở ra cả nghìn ốc con.
Năm 2022, sau hơn 2 năm thất bại, lần đầu tiên chàng trai Ninh Bình có ốc giống xuất bán ra thị trường.
"Năm đó, tôi bán được 40.000 ốc giống, 3 tấn ốc thương phẩm thu lãi được cả trăm triệu đồng. Cầm những đồng tiền kiếm được sau nhiều năm "đổ mồi hôi sôi nước mắt" mình mừng rơi nước mắt. Khi ấy, không nghĩ có thể kiếm được tiền từ loài ốc đã khiến mình thất bại hai năm qua", anh Duy nhớ lại.
Sau nhiều năm tìm hiểu, anh Duy nhận ra nuôi loài ốc này không khó, chỉ cần tỉ mỉ. Con ốc ăn uống không cầu kỳ, chỉ ăn lá bèo, lá sắn nhưng đổi lại phải chuẩn bị môi trường sạch sẽ. Khó nhất là nuôi ốc qua mùa đông, có bí kíp này thì sẽ thành công.
Từ đầu năm đến nay, trang trại ốc của anh Duy đã xuất bán ra thị trường 1 triệu ốc giống, 3 tấn ốc thương phẩm. Số tiền lãi thu được hàng trăm triệu đồng. Cũng từ đó, mọi người gắn cho anh biệt danh "vua ốc nhồi" hay "Duy ốc nhồi" Ninh Bình.
Nâng tầm đặc sản quê
Khi nắm chắc được quy trình nuôi và chăm sóc ốc, anh Duy trăn trở, nếu chỉ bán ốc giống và ốc thương phẩm thì giá thành không cao, lãi không nhiều do ốc thương phẩm khó vận chuyển đi xa.
Từ đó, anh Duy đã mày mò và chế biến ra món chả ốc lá lốt và chả ốc ống nứa. Đây là hai món ăn đặc sản mà anh mất nhiều thời gian để nghiên cứu, sau đó quyết định bán ra thị trường để nâng cao thương hiệu của con ốc nhồi do chính tay mình nuôi dưỡng, chăm sóc.
"Ốc nhồi sau khi nuôi khoảng 4 tháng đạt trọng lượng 30 con/kg là có thể thu hoạch được. Khi bắt về, ốc được rửa sạch sẽ đem luộc, khêu lấy đầu. Thịt đầu ốc sẽ được xay miếng nhỏ rồi trộn với mọc lợn, gừng, sả, ớt, tiêu và gia vị rồi đem nhồi vào ống nứa (đã được vệ sinh sạch sẽ) hoặc cuốn lá lốt, hút chân không xuất ra thị trường", anh Duy chia sẻ.
Hiện nay, món chả ốc lá lốt và chả ốc ống nứa của anh Duy đã xuất bán cho nhiều nhà hàng, quán ăn, các cửa hàng nông sản sạch ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Mỗi tháng hợp tác xã của anh bán ra thị trường 6 tạ chả ốc, số tiền lãi thu được 30-50 triệu đồng/tháng.
Chàng trai đất cố đô tâm sự, quá trình nuôi ốc được anh thực hiện theo quy trình thuận tự nhiên. Vì thế, thịt ốc khi thu hoạch để làm ra món ăn đặc sản đảm bảo thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng. Quy trình làm món chả ốc cũng được thực hiện đảm bảo vệ sinh nên được nhiều khách hàng lựa chọn.
"Hai món ăn từ ốc nhồi mình đang làm hồ sơ dự OCOP (sản phẩm đặc trưng) tỉnh Ninh Bình. Khi 2 món ăn này được cấp chứng nhận, sắp tới mình sẽ tiếp tục nghiên cứu và cho ra các món ăn đặc sản khác từ con ốc nhồi do mình nuôi được như: ốc nhồi ốc, ốc quấn giấy bạc, thịt ốc đông lạnh hay xúc xích ốc nhồi…", anh Duy nói.
Hiện nay, hợp tác xã của anh Duy đang tạo việc làm cho 8 lao động địa phương với các công việc như nuôi ốc và chế biến món ăn từ ốc, lương bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Duy tiết lộ, tới đây sẽ mở rộng diện tích nuôi ốc để tăng thêm thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương cùng tham gia mô hình nuôi ốc nhồi mà anh đang thành công.