8 công nhân bị đuổi việc sau vụ 1.000 công nhân đình công

(Dân trí) - Đến ngày 22/5, toàn bộ số công nhân đã quay trở lại làm việc thế nhưng 8 công nhân đại diện cho công nhân trực tiếp đưa tiếng nói người lao động đến công ty lại bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Như báo Dân trí đã phản ánh, trong 3 ngày từ 11-14/5, gần 1.000 công nhân đang làm việc tại nhà máy may mặc Hàn Quốc Prex Vinh (đóng tại huyện Đô Lương) đã đình công đòi hỏi một số quyền lợi. Đến ngày 22/5, toàn bộ số công nhân đã quay trở lại làm việc thế nhưng 8 công nhân đại diện cho công nhân trực tiếp đưa tiếng nói người lao động đến công ty lại bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Đòi quyền lợi, mất việc làm

Sau cuộc đối thoại trực tiếp bất thành giữa doanh nghiệp và công nhân vào sáng ngày 14/5 thì đến ngày 15/5 toàn bộ công nhân lại tiếp tục tập trung trước văn phòng đại diện công ty để tiếp tục đòi quyền lợi. Do chưa có tổ chức công đoàn nên việc phản ánh của công nhân đến công ty gặp nhiều khó khăn.
 
Trước tình hình đó, công nhân đã thống nhất cử một số người đại diện viết đơn kiến nghị lên công ty và Liên đoàn lao động huyện Đô Lương. Ngay sau đó, một cuộc đối thoại giữa công ty, người lao động và đại diện các ban ngành, đoàn thể huyện Đô Lương được tổ chức để giải quyết những thắc mắc của công nhân.
 
Ông Nguyễn Đăng Hồng - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đô Lương cho hay: “Tại cuộc đối thoại đã có 7/8 vấn đề công nhân kiến nghị được công ty giải quyết như: việc cấp phát thẻ BHYT cho công nhân, các chế độ làm tăng ca, trợ cấp nuôi con nhỏ, ngày nghỉ phép… Còn vấn đề tăng lương cho công nhân thì vẫn chưa thống nhất được. Tại buổi làm việc này, phía công ty cũng yêu cầu đại diện người lao động viết bản cam kết để thỏa thuận các vấn đề đã được giải quyết. Ngày 17/5, toàn bộ công nhân đã quay trở lại công ty để tiếp tục làm việc nhưng 8 công nhân đại diện cho công nhân trực tiếp phản ánh các quyền lợi đã bị công ty tạm đình chỉ nghỉ việc”.
8 công nhân bị đuổi việc sau vụ 1.000 công nhân đình công
Công nhân tập trung đình công tại công ty may mặc Hàn Quốc Prex Vinh.
 
Tuy nhiên sau 5 ngày chờ đợi, đến sáng ngày 22/5, 8 công nhân trên đã bất ngờ khi nhận được quyết định của công ty chấm dứt hợp đồng lao động.
 
Chị Trần Thị Loan làm ở bộ phận may bức xúc nói: “Khi làm bản cam kết, phía công ty yêu cầu chúng tôi phải có lời xin lỗi. Lý do họ đưa ra là do việc đình công đã làm tổn thất đến công ty. Chúng tôi chỉ đại diện cho công nhân phản ánh đến công ty những kiến nghị chứ không đứng đầu, không lôi kéo hay có hành động đập phá nên việc công ty đuổi việc là hết sức vô lý”.

Còn chị Cao Thị Nga ký hợp đồng lao động với công ty từ ngày 1/10/2011 đến ngày 31/12/2013 mới hết hạn thì cho rằng: “Chúng tôi chỉ nhận được giấy chấm dứt hợp đồng lao động mà không có bất kỳ một lời giải thích nào từ phía công ty. Trong bản hợp đồng lao động cũng nói rõ chúng tôi sẽ được hưởng các chế độ ngừng việc, trợ cấp thất nghiệp và bồi thường hợp đồng lao động nhưng công ty cũng chưa trả lời về những vấn đề này”.

Các công nhân cho biết, sau khi nghỉ việc tại công ty sẽ khiến cho cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn bởi ngoài thời gian làm nông nghiệp thì họ không biết làm nghề gì khác.

Trước thực tế này, chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với ông Nguyễn Văn Thành - Người phát ngôn của công ty, ông Thành cho biết: “Sở dĩ chúng tôi cho 8 công nhân này nghỉ việc bởi họ đã có những hành động lôi kéo các công nhân khác đình công, ném đá vào công ty mà ban giám đốc chụp hình được”.

Tuy nhiên, trong các cuộc tiếp xúc với 8 công nhân này thì họ khẳng định rằng họ chỉ đại diện cho công nhân đứng lên đòi quyền lợi, chứ không hề có chuyện lôi kéo hay đập phá máy móc hay có hành động nào khác.

Sa thải vì... vi phạm pháp luật?

Các công nhân bị chấm dứt hợp đồng đều cho rằng, phía công ty đưa ra lý do cuộc đình công của họ là bất hợp pháp là không đúng bởi vì chưa có tổ chức công đoàn nên họ không biết gửi những kiến nghị của mình cho ai.
 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Hồng, chủ tịch LĐLĐ huyện Đô Lương thừa nhận, việc thành lập tổ chức công đoàn ở công ty may mặc Hàn Quốc Prex Vinh có phần chậm trễ bởi do công ty mới đi vào hoạt động, số công nhân thường xuyên biến động.
8 công nhân bị đuổi việc sau vụ 1.000 công nhân đình công
Giấy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động công nhân.

“Ngày 28/4/2012, chúng tôi đã định tổ chức cuộc họp với lãnh đạo công ty để thành lập tổ chức công đoàn nhưng do trùng vào dịp nghỉ lễ nên bị hoãn lại. Sau khi nghỉ lễ xong chưa kịp tổ chức thì xảy ra vụ việc đáng tiếc này”, ông Hồng nói.

Còn ông Lê Minh Giang - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho hay: “Họ đình công bất hợp pháp nên họ phải chịu, giờ là quyền quyết định ở công ty”.

Trước câu hỏi do chưa có tổ chức công đoàn nên họ buộc phải đấu tranh tự phát thì ông Giang nói: “Chúng tôi cũng đã cam kết để công nhân ở lại làm nhưng phía tổng công ty vẫn nói tạm thời đình chỉ”.

Rõ ràng, việc công nhân nhà máy may mặc xuất khẩu Hàn Quốc Prex Vinh đình công đòi quyền lợi chính đáng là đúng. Thế nhưng, kết luận việc đình công này vi phạm pháp luật rồi sa thải những công nhân đại diện cho người lao động đòi quyền lợi là chưa thoả đáng bởi do không có tổ chức công đoàn lãnh đạo thì hành động tự phát là lẽ đương nhiên. Thêm vào đó, việc sa thải người lao động và không đền bù khi thời hạn hợp đồng chưa kết thúc là điều cần phải xem xét lại.

Ông Nguyễn Chí Công - Trưởng ban kinh tế pháp luật LĐLĐ tỉnh Nghệ An khẳng định:“Trình tự đình công là phải có tổ chức công đoàn đứng ra phản ánh những kiến nghị của công nhân đến lãnh đao công ty để có hướng giải quyết. Vụ việc đình công tại công ty may mặc Hàn Quốc Prex Vinh là sự phản ứng của tập thể, không có gì là sai bởi vì ở đó chưa có tổ chức công đoàn, các công nhân đại diện chỉ đòi quyền lợi cho người lao động. Việc công ty này sa thải 8 công nhân là sai".

"Chúng tôi sẽ chỉ đạo LĐLĐ huyện Đô Lương phối hợp với chính quyền và các ban ngành sở tại tổ chức hoà giải giữa chủ sử dụng lao động và người lao động để người lao động được làm việc, nếu không thì công ty phải bồi thường. Trong trường hợp hoà giải không thành thì chúng tôi sẽ xem xét và tư vấn cho người lao động và có thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động” - ông Công nói.

Doãn Hòa - Nguyễn Duy