Nghệ An: Gần 1.000 công nhân đình công đòi quyền lợi
(Dân trí) - Cho rằng các quyền lợi của mình không được đáp ứng, gần 1.000 công nhân của Công ty may mặc Hàn Quốc Prex Vinh đóng tại huyện Đô Lương (Nghệ An) đã đồng loạt đình công.
Sáng nay (15/5), hàng trăm công nhân tiếp tục kéo đến trước Văn phòng đại diện công ty may mặc Hàn Quốc Prex Vinh yêu cầu phía công ty trả lời các kiến nghị của công nhân gây nên tình trạng hỗn loạn đã xảy ra tại đây.
Trước đó, sáng ngày 11/5, gần 1.000 công nhân của Công ty may mặc Hàn Quốc Prex Vinh đang làm việc trong 3 phân xưởng tạm thời tại khu công nghiệp nhỏ và vừa thị trấn Đô Lương đã đồng loạt nghỉ việc.
Nhiều công nhân cho biết, nguyên nhân khiến họ đình công là do các quyền lợi, chế độ liên quan đến người lao động không được đảm bảo. Chị Trần Thị S. đã làm việc tại công ty này được 5 tháng phản ánh: “Trước đây tôi từng làm công nhân may mặc ở miền Nam, thấy nhà máy may ở gần nhà nên về đây để làm việc cho thuận tiện. Thế nhưng, tôi thấy áp lực công việc căng thẳng, mà các chế độ làm việc lại rất thấp”.
Chị S. cũng đưa ra một loạt ví dụ: như một năm chỉ được nghỉ phép 12 ngày nhưng họ quy định mỗi tháng chỉ được nghỉ đúng một ngày thứ 7 của tuần thứ 2. Nhiều hôm mệt muốn nghỉ nhưng không đúng vào ngày nghỉ đã quy định (quy định của Công ty - PV) của họ nên cũng phải đi làm, họ không cho nghỉ. Ngoài ra, trợ cấp tiền xăng xe, nhà ở, chuyên cần cũng không có trong khi mức lương công nhân chúng tôi chỉ 1,4 triệu đồng/tháng không đủ để chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày nên chúng tôi đình công đòi công ty tăng phụ cấp.
Còn chị Nguyễn Thị Th. làm ở phân xưởng 2 cho biết, mặc dù chị làm việc đã 7 tháng và đóng BHYT nhưng đến nay chị vẫn chưa nhận được thẻ BHYT. “Chẳng hiểu tại sao đến nay đã hơn 7 tháng rồi mà vẫn chưa nhận thẻ BHYT của công ty. Không biết, công ty họ giữ lại để làm gì trong khi hàng tháng chúng tôi đều đóng tiền BHYT đầy đủ, nhiều lúc ốm đột xuất muốn có thẻ BHYT để khám bệnh cũng rất phiền hà”.
Nhiều công nhân khác cũng cho biết, không chỉ mức lương thấp mà hiện tại mức lương của công nhân cũng không đồng đều nhau ở ngay trong cùng một bộ phận; ngoài ra công ty còn cắt giảm chế độ trợ cấp nuôi con nhỏ, chủ sử dụng lao động đối xử với công nhân không tốt, chế độ làm tăng ca cho công nhân không đảm bảo.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại mức lương cơ bản cho công nhân tại công ty may mặc xuất khẩu Hàn Quốc Prex Vinh áp dụng theo bảng lương của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% nước ngoài tại miền Trung là 1,4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ 300.000 đồng tiền ăn trưa, 70.000 đồng tiền độc hại và 98.000 đồng tiền trách nhiệm cho mỗi công nhân. Còn các chế độ khác như trợ cấp xăng xe, nhà ở, chuyên cần công ty chưa có trong quy định. Thời gian qua, do nhà máy đang được xây dựng tại xã Lạc Sơn nên gần 1.000 công nhân của công ty may mặc xuất khẩu Prex Vinh đang làm việc tạm thời tại 3 phân xưởng ở cụm Công nghiệp nhỏ và vừa thị trấn Đô Lương.
Trao đổi với chúng tôi trong buổi sáng ngày 15/5, ông Nguyễn Đăng Hồng, chủ tịch LĐLĐ huyện Đô Lương cho biết: “Do công ty chưa có tổ chức công đoàn nên việc tổ chức tập hợp, vận động công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Sáng ngày 14/5 chỉ có một ít công nhân vào làm việc, còn lại phần lớn công nhân chưa đồng ý vào làm là do mức lương còn quá thấp. Về vấn đề tăng lương cho công nhân thì phía công ty trả lời là do đang trong quá trình mới đi vào hoạt động và nền kinh tế chung đang khó khăn nên chưa thể tăng lương ngay cho công nhân được”.
Còn ông Nguyễn Văn Thành, người phát ngôn của công ty cho hay: “Hiện phía công ty chưa thể đưa ra được một câu trả lời cụ thể nào, tất cả còn phải chờ”.
Nhà máy may mặc xuất khẩu Hàn Quốc Prex Vinh có tổng vốn đầu tư 11,6 triệu USD tương đương với 222 tỷ VNĐ, có diện tích 7,2 ha tại xã Lạc Sơn (Đô Lương). Đây là Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tiên có mặt và đầu tư 100% vốn xây dựng nhà máy tại Đô Lương. Tiến độ xây lắp nhà máy đạt trên 90%. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ thu hút khoảng 4.000 lao động, mỗi năm nhà máy sẽ sản xuất ra trên 3 triệu sản phẩm gồm quần áo may mặc, đồ áo bơi và các sản phẩm từ da giày. |