7 bí quyết biến nhà quản lý thành nhà lãnh đạo

Nhiều người thường đánh đồng ý nghĩa của các chức danh “quản lý” và “lãnh đạo” trong khi thực tế đó là hai vị trí khác biệt rất lớn.

7 bí quyết biến nhà quản lý thành nhà lãnh đạo

Tác giả Gina Folk, chuyên gia về kỹ năng lãnh đạo, chia sẻ trên tạp chí Entrepreneur những kinh nghiệm của bà sau 25 năm làm tư vấn: “Tôi có thể tự tin khẳng định rằng, những nhóm làm việc hiệu quả nhất, đạt được thành công lâu dài và bền vững nhất đều được dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo, không phải các nhà quản lý”.

Sau đây là 7 bí quyết giúp các nhà quản lý cải thiện bản thân và trở thành một nhà lãnh đạo thực thụ, theo Gina Folk.

1. Yêu mến mọi người

Không ai có thể dẫn dắt nhóm thành công nếu họ không thực sự hòa hợp với nhau. Mỗi chúng ta là một cá thể riêng biệt với những đặc điểm độc nhất. Là nhà lãnh đạo, bạn có nhiệm vụ giúp mọi người chấp nhận sự khác biệt của nhau và động viên nhau cùng nỗ lực hướng về một mục tiêu chung.

2. Hướng dẫn chứ không kiểm soát

Các nhà quản lý luôn muốn kiểm soát mọi thứ. Vài người khác vì thiếu lòng tin mà trở thành những nhà quản lý vi mô, làm giảm năng suất và kéo cả tổ chức chậm lại.

Nhà lãnh đạo thì khác, họ hiểu rõ nhóm sẽ đạt được những thành tựu tuyệt vời nếu được hướng đi đúng đường và được hỗ trợ đầy đủ. Vì vậy, nhà quản lý thiết lập các “bộ khung” nâng đỡ, chứ không phải là hằng hà sa số các quy định “nhấn chìm” niềm vui công việc của nhân viên.

3. Linh hoạt và thích nghi

Các nhà quản lý thường yêu cầu rất khắt khe và trung thành với cách làm việc mà họ cho là đúng. Lãnh đạo thì hiểu rằng thay đổi là cần thiết cho bất kỳ sự tiến bộ và phát triển nào.

Lãnh đạo giỏi hiểu rõ năng lực của từng nhân viên, đặt ra các kỳ vọng rõ ràng và điều chỉnh liên tục phương pháp lãnh đạo để thích nghi với hoàn cảnh.

4. Giao quyền

Một số nhà quản lý luôn cảm thấy họ đang “giao quyền” rất hào phóng nhưng thật ra họ không đặt niềm tin vào ai cả và việc họ làm chỉ đơn thuần là chỉ định. Họ không tin nhân viên có thể hoàn thành tốt công việc được giao.

Lãnh đạo thì khác. Họ giao nhiệm vụ cho nhân viên vì họ tin tưởng. Dù không trực tiếp tham gia, họ vẫn theo dõi thường xuyên để hỗ trợ nhân viên.

5. Chia sẻ thành tựu, chấp nhận thất bại

“Sếp” là người phấn khích nhận thưởng khi nhóm của họ đạt thành công và họ cũng là người đầu tiên trút giận lên cả nhóm nếu không đạt được chỉ tiêu.

Lãnh đạo hiểu rõ thành công không chỉ do mình họ mà nên, vì vậy, họ luôn kiểm soát cảm xúc cao độ. Cùng chia sẻ thành tựu với cả nhóm khi thành công, khi thất bại thì chấp nhận và xử lý một cách tỉnh táo.

6. Dám mạo hiểm

Rủi ro là điều mà các nhà quản lý luôn cố tránh cho bằng được vì họ sợ không kiểm soát được tình hình khi có sự cố xảy ra.

Lãnh đạo lại hiểu rõ rằng thành công lớn nhất đến từ những quyết định mạo hiểm. Lãnh đạo khuyến khích nhóm trải nghiệm những điều mới mẻ và mỗi sai lầm hay thất bại là một lần họ được những bài học quý giá.

7. Tạo động lực tốt

Nhà quản lý kém đem nỗi sợ ra làm động lực thúc đẩy nhân viên. Họ “bao vây” nhân viên bằng việc giảm lương, tăng giờ làm, nguy cơ bị trừng phạt, nguy cơ mất việc…

Ngược lại, lãnh đạo tìm hiểu điều gì giúp nhân viên hạnh phúc và phấn chấn nhất, dù điều đó cả chính nhân viên còn chưa phát hiện ra. Lãnh đạo cổ vũ mọi thành tựu dù là nhỏ nhất, vì lãnh đạo, nói cách khác, là người hâm một nhiệt thành nhất của nhân viên.

Từ “nhà quản lý” đến “nhà lãnh đạo” là một hành trình phát triển bản thân đầy thử thách. Bạn sẽ phải hy sinh cái tôi để cùng tập thể đạt kết quả chung. Tuy nhiên, kết quả chắc chắn sẽ vô cùng xứng đáng và khiến bạn hài lòng vì không chỉ mình bạn đạt được sự cân bằng trong công việc - cuộc sống, mà cả những người xung quanh cũng vậy. Khi ấy, công việc không còn là gánh nặng mà là niềm vui mỗi ngày trong suốt đời bạn.

Để xác định chính xác bạn là ai, “nhà quản lý” - người thực thi ý tưởng hay “nhà lãnh đạo”- người đưa ra ý tưởng, hãy trả lời thành thật hai câu hỏi sau:

1. Cấp dưới của bạn làm việc quá lộn xộn và nếu bạn không can thiệp thì công việc chẳng đi đến đâu cả.

2. Cấp dưới của bạn không chỉ là đồng nghiệp mà là còn là những người bạn đồng hành với bạn trên hành trình đạt được mục tiêu.

Nếu bạn chọn câu 1, bạn thiên về kiểu “sếp” mà nhân viên vẫn hay đem ra bàn tán, nếu chọn câu 2, bạn đang trên đường trở thành một nhà lãnh đạo được kính trọng.


Theo Doanh nhân Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm