1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

6 kỹ năng kinh doanh nhà trường không dạy

Những khóa học kinh doanh chỉ có thể dạy bạn cách thức để vận hành một công ty. Chặng đường từ điểm xuất phát đến cái được gọi là thành công hay thất bại là nơi mà bạn kiểm tra dũng khí của mình.

6 kỹ năng kinh doanh nhà trường không dạy - 1

Dưới đây là một số lời khuyên - mà bạn không tìm thấy trong bất kỳ cuốn sách nào - giúp bạn sống sót và thành công trong kinh doanh.

1. Xác định mục tiêu trong từng giai đoạn

Các doanh nhân thường có xu hướng EADD (Entrepreneurial Attention Deficit Disorder), gọi là hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Với tố chất sáng tạo và có tầm nhìn, họ thường bị thu hút bởi những ý tưởng mới lạ. Nhưng có một thứ họ cũng thường thiếu, đó là sự kiên trì để theo đuổi tới cùng.

Ví dụ, bạn có một tiệm bánh, bạn vừa là chủ tiệm bánh trong khi cũng đang là một nhà chế tác trang sức. Vậy đâu là niềm đam mê của bạn? Trong suốt cuộc đời, bạn có thể thành công trong nhiều mảng kinh doanh, nhưng nếu bạn làm tất cả cùng lúc, bạn không thể dồn hết công suất vào một việc nào cả. Đó là lý do các doanh nhân thành công khuyên bạn, ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, bạn phải xác định được đâu là niềm đam mê của mình để tập trung vào nó nhằm đạt được kết quả tốt nhất trước khi chuyển sang một niềm đam mê khác và một mục tiêu khác.

2. Đừng bao giờ nản trí

Khi đưa ra một dự án, chúng ta sẽ muốn nghe phản biện để có thể nhận diện những khó khăn, lỗ hổng trong bản kế hoạch của mình. Có người khác sẽ nói “nó sẽ không thành công đâu”, nhiều người khác từ chối ý tưởng của bạn. Hãy kiên định! Khi người khác nói bạn không thể làm được điều này, sai ở chỗ kia, hãy ghi lại tất cả, xem chúng như những rào cản phải vượt qua.

Sản phẩm của bạn có thể chưa đạt tiêu chuẩn, chưa đúng thị trường, chiến lược quảng cáo chưa hợp lý… Tất cả những điều này không có nghĩa là bạn sẽ không thành công, chỉ đơn giản là bạn phải quay trở lại kế hoạch ban đầu và tìm hướng đi khác.

3. Bắt tay vào làm ngay

Con người vốn sợ sự thay đổi. Chúng ta thường sẽ không muốn dính vào rắc rối hay phải chịu trách nhiệm về một việc nào đó vượt quá khả năng của mình. Nhưng là doanh nhân, bạn phải sẵn sàng bước vào lĩnh vực mới, làm những điều mà người khác không làm hoặc không ủng hộ. Rủi ro luôn đi cùng bất ngờ. Trong kinh doanh, sự liều lĩnh (có tính toán) thường đi chung với phần thưởng to lớn. Vì vậy, đừng do dự, hãy bắt tay vào làm ngay, và vận may sẽ đến với bạn - người mở lối.

4. Học cách nói “không” với chính mình

Chúng ta đã biết tầm quan trọng của việc biết cách nắm bắt cơ hội, tin tưởng và kiên định với lựa chọn của mình. Nhưng bạn cũng cần phải học cách từ bỏ. Khi đang thực hiện dở dang một dự án bỗng dưng bạn “bắt” được một ý tưởng mới cực kỳ thú vị. Nó “hút” ngay sự chú ý bạn. Đây là lúc bạn cần sự kiên định. Chỉ khi dứt khoát nói “không” với ý tưởng mới bạn mới có thể tập trung và dồn hết tâm huyết để đạt được mục tiêu đã định.

5. Quên đi sự hoàn hảo

Rất nhiều chủ doanh nghiệp bị mắc kẹt trong sự cầu toàn. Kinh doanh không chỉ là việc làm thế nào để công ty vận hành, bạn cần tiến về phía trước. Khi gặp “sự cố” - sản phẩm/dịch vụ bị chê, không bán được, hãy rà soát lại tất cả để xác định những gì còn dùng được và những gì cần thay đổi, và tiếp tục đi. Nếu không, bạn sẽ kẹt trong giai đoạn phát triển mãi mãi và không bao giờ có được sản phẩm hay dịch vụ mới.

Hầu hết doanh nhân thành công đều có nhiều thất bại trước khi họ tìm ra thành công cuối cùng, cũng giống như việc tác giả gửi bản thảo cho nhà xuất bản và nhiều lần bị họ từ chối trước khi tác phẩm được công bố. Doanh nhân hãy chấp nhận việc mình đã phạm sai lầm, cứ đi tiếp và không lùi bước.

6. Tập trung vào bán hàng

Sản phẩm ra đời từ niềm đam mê của bạn. Vì thế, khi sản phẩm hoàn thiện bạn say sưa thưởng thức nó, rồi hình dung ra viễn cảnh tươi đẹp khi “sống” chung với nó, tức nâng nó lên một tầm cao mới. Nhưng đừng quên rằng công ty cần phải có tiền. Bạn cần phải có đủ tiền để trả cho các nhân viên, những người đã thay bạn dọn dẹp văn phòng trong khi bạn tập trung vào sáng tạo, những người đã cùng bạn hiện thực hóa ý tưởng của bạn... Và bạn cũng cần có tiền để duy trì và nâng tầm đam mê của mình. Nói thẳng ra, bạn cần lợi nhuận.

Hãy tập trung vào việc bán các sản phẩm. Nếu công ty có một đội ngũ bán hàng, họ sẽ làm việc này. Nhưng là người chủ công ty, bạn không thể đứng ngoài, và thực tế là không ai có thể bán hàng tốt hơn bạn. Mỗi buổi sáng, từ 8h30 đến 11h30, hãy nhấc điện thoại lên và gọi cho tất cả những ai có thể, để tạo dựng và duy trì các mối quan hệ, sản phẩm của bạn sẽ tìm được người mua, và lợi nhuận sẽ “chảy” về.

Theo Minh Quang/Doanh nhân Sài gòn