6 biểu hiện của nhân viên trung thành
Bất kỳ doanh nhân hay doanh nghiệp nào cũng muốn có những nhân viên trung thành làm việc cùng với mình. Tuy nhiên, theo Jeff Haden - một diễn giả có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội LinkedIn, cộng tác thường xuyên của tạp chí Inc. về đề tài nhân sự, không phải cứ nhân viên làm việc càng lâu năm thì lòng trung thành của họ càng cao.
Chẳng hạn, một nhân viên có thâm niên làm việc 10 năm nhưng chỉ làm việc mang tính đối phó, luôn chỉ trích sếp và công ty lúc ở công sở cũng như khi ở nhà, thường xuyên chống đối ra mặt các quyết định của sếp. Trong khi đó, một nhân viên chỉ mới làm việc 6 tháng lại nắm bắt nhanh và nhiệt tình thực hiện các định hướng chỉ đạo của cấp quản lý, làm việc chăm chỉ mỗi ngày để giúp sếp và công ty đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Mặc dù kinh nghiệm là một yếu tố quan trọng, nhưng Haden cho rằng, trong hai trường hợp nói trên, chắc chắn các nhà quản lý sẽ muốn chọn nhân viên có thâm niên làm việc chỉ sáu tháng.
Những nhân viên trung thành luôn làm việc chăm chỉ, xứng đáng với những giá trị mà họ nhận được từ doanh nghiệp và cam kết cao cho sự thành công của doanh nghiệp.
Những nhân viên trung thành có thể rời bỏ doanh nghiệp vào một ngày nào đó, nhưng trong thời gian còn làm việc với doanh nghiệp, họ luôn nỗ lực hết mình và đặt lợi ích của công ty lên trên lợi ích cá nhân.
Theo Haden, các nhân viên trung thành không chỉ gắn bó với công ty mà họ còn trung thành với sếp theo những cách đáng ngạc nhiên sau đây mà không phải sếp nào cũng nhận ra.
1. Nói với sếp những điều sếp ít muốn nghe nhất
Khi nhân viên và sếp có khoảng cách về cấp bậc càng xa thì nhân viên càng ít tỏ ra bất đồng với sếp. Chẳng hạn, những nhân viên mới gia nhập công ty thường tuyệt đối tuân thủ mọi ý kiến, chỉ đạo của sếp mà không có bất cứ ý kiến gì. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ luôn cảm thấy hài lòng. Và khi sự bất mãn của những nhân viên ấy lên đến đỉnh điểm, họ thường tự giải quyết bằng cách nghỉ việc.
Trong khi đó, những nhân viên báo cáo trực tiếp, làm việc gần gũi với sếp có thể đưa ra những quan điểm trái chiều với sếp. Họ chính là những nhân viên trung thành, sẵn sàng chỉ ra những điểm sai của sếp, nói với sếp những điều mà sếp ít muốn nghe nhất với thiện ý mong muốn công việc sẽ tốt hơn.
2. Đối xử với sếp như một con người
Một học sinh có thể luôn xem người thầy của mình như một thần tượng với một hình ảnh rất chỉn chu và chuẩn mực. Nhưng học sinh ấy cũng khó có thể chấp nhận hình ảnh người thầy mà mình yêu mến trong bộ dạng “tuềnh toàng” của một người bình thường ngoài xã hội.
Tương tự, không ít nhân viên nhìn sếp như một người luôn chỉn chu, mạnh mẽ, đầy quyền lực và thường giữ khoảng cách với sếp. Nhưng theo Haden, những nhân viên trung thành không đặt nặng quan hệ giữa sếp và nhân viên theo cách ấy. Họ hiểu sếp ở mọi góc cạnh trong công việc và đời sống cá nhân.
Những nhân viên trung thành hiểu rằng sếp luôn muốn giúp họ đạt được các mục tiêu nghề nghiệp và trong cuộc sống cá nhân, mong nhân viên có được những điều tốt đẹp nhất. Ngược lại, họ cũng mong muốn sếp gặp được những điều tốt đẹp nhất trong công việc và cuộc sống cá nhân.
3. Không bao giờ chỉ trích sếp trước người khác
Các nhân viên có thể chỉ trích sếp như một cách để giảm stress nhưng đa số làm điều này vì họ suy nghĩ rằng sếp cũng chẳng có năng lực gì cao siêu hơn bản thân họ. Họ cũng tìm cách làm “bào mòn” sự tôn trọng mà sếp đã rất nỗ lực để xứng đáng có được từ mọi người xung quanh.
Những nhân viên trung thành sẽ không làm như vậy. Họ không bàn tán, nói xấu sếp sau lưng. Họ luôn thể hiện sự tôn trọng sếp ngay cả khi sếp không có ở trước mặt họ.
4. Thể hiện sự bất đồng với sếp một cách riêng tư
Haden cho rằng, tranh luận và bất đồng là điều lành mạnh cho một tổ chức. Những nhân viên trung thành tin rằng họ có thể tự do chia sẻ các quan điểm của mình với sếp, phân tích những ưu điểm, nhược điểm trong các quyết định của sếp. Họ cũng tin rằng sếp sẵn sàng và mong muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp của họ vì lợi ích của bản thân sếp và công ty.
Tuy nhiên, không giống với những nhân viên không trung thành, họ sẽ làm những điều nói trên với sếp một cách khéo léo và mang tính riêng tư.
5. Công khai ủng hộ mọi quyết định của sếp
Ngay cả khi bất đồng với sếp về một quyết định nào đó, các nhân viên trung thành cũng sẽ không cố gắng tìm cách chứng minh rằng sếp đang sai. Ngược lại, trước mọi người, những nhân viên trung thành sẽ làm mọi cách để chứng minh sếp đang làm đúng.
6. Báo trước với sếp khi muốn nghỉ việc
Không có vị sếp nào muốn mất đi những nhân viên trung thành. Nhưng đôi khi, những nhân viên trung thành buộc phải nói lời chia tay vớp sếp và công ty để theo đuổi những cơ hội tốt hơn, để bước vào một lĩnh vực mới, để tự thành lập công ty cho riêng mình hoặc chỉ vì muốn thay đổi lối sống.
Tuy nhiên, những nhân viên này luôn hiểu rằng sự ra đi của họ sẽ để lại cho sếp và tổ chức một lỗ hổng trong nhân sự và vì thế, họ sẽ báo trước kế hoạch của mình để sếp có đủ thời gian chuẩn bị.
Haden cho rằng, họ làm điều đó vì trung thành với sếp và tin tưởng tuyệt đối rằng sếp sẽ không vì sự ra đi của họ mà đối xử với họ khác đi hay sa thải họ ngay lập tức. Họ làm điều đó còn vì tin rằng mình đã từng đặt lợi ích của sếp và công ty lên trên lợi ích cá nhân không ít lần, nên sếp cũng sẽ đối xử với họ như vậy.
Theo Doanh nhân Sài gòn