1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

5 sai lầm “chết người” khi viết hồ sơ xin việc

(Dân trí) - Trong bối cảnh thị trường việc làm ngày một khó khăn, hẳn không ai muốn bị loại ngay từ vòng xét hồ sơ khi tìm được một vị trí yêu thích. Nếu vậy bạn cần tránh 5 sai lầm phổ biến sau đây.

Với bất kỳ nhà tuyển dụng nào, hồ sơ xin việc chính là ấn tượng đầu tiên họ có về một ứng viên. Bởi vậy bản lý lịch trích ngang (resumé) cũng không khác nào một tài liệu tiếp thị bản thân, cần thu hút cả về nội dung lẫn hình thức. Nhưng làm thế nào để được gọi là thu hút? Trước hết bạn cần tránh 5 sai lầm phổ biến sau:

5 sai lầm “chết người” khi viết hồ sơ xin việc - 1
Bản lý lịch trích ngang rất quan trọng khi đi xin việc

1. Lạm dụng việc liệt kê các công việc

Quả thực lý lịch trích ngang là bản tóm tắt quá trình làm việc nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn liệt kê tất cả các công việc đang làm. Nếu bạn viết: “chịu trách nhiệm về việc bán hàng khu vực Đông Nam Bộ” điều đó không thực sự cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã đạt được gì trong công việc đó. Hãy nêu chi tiết công việc bạn làm và những kết quả thu được.

2. Thiếu những con số cụ thể

Những con số cụ thể luôn được các nhà tuyển dụng chú ý. Nếu bạn viết rằng “tôi đã giúp tăng doanh thu cho công ty”, điều đó không tệ nhưng nếu bạn viết: “tôi đã giúp doanh thu tăng 25% trong vòng 3 năm” thì thông tin ấy nói lên rất nhiều điều về thành quả bạn đạt được. Bạn thu hút được bao nhiêu khách hàng mới? quản lý bao nhiêu nhân viên? được ký những hợp đồng trị giá bao nhiêu tiền?...Bản lý lịch của bạn sẽ nổi bật hơn rất nhiều nếu có những con số như vậy.

3. Chú ý khi gửi hồ sơ trực tuyến

Hiện nay rất nhiều công ty khuyến khích ứng viên gửi hồ sơ qua email. Điều này thật tiện lợi nhưng bạn cũng cần lưu ý rằng không phải máy tính của ai cũng có cùng một chương trình soạn thảo văn bản. Bản lý lịch được trình bày rất đẹp, gọn gàng trên máy tính của bạn có thể bị lỗi định dạng, cách dòng, font chữ thay đổi trên máy của người khác, hoặc tệ hơn là không thể đọc được.

Bởi vậy sẽ là không thừa khi thử kiểm tra xem bản lý lịch của mình sẽ trông ra sao trên các chương trình soạn thảo văn bản phổ biến như Microsoft Word (phiên bản 2003, 2007), Open Office, Google Docs…trước khi gửi đi.

4. Quá dài hoặc quá ngắn

Không có một chuẩn nào cho độ dài bản lý lịch trích ngang. Nhưng sẽ là đáng ngờ khi bạn vừa mới ra trường nhưng bản lý lịch lại dài kín 2 trang giấy. Ngược lại một người với 15 năm kinh nghiệm mà thông tin chỉ vỏn vẹn 1 trang thì dễ khiến nhà tuyển dụng nghĩ bạn chẳng làm gì. Do vậy cần cân nhắc trước khi viết. Thông thường sinh viên mới ra trường chỉ nên trình bày trong 1 trang A4 còn những người có kinh nghiệm làm việc nên viết 2 trang. Nếu bạn là nhà nghiên cứu với nhiều sách, bài viết được xuất bản đừng ngần ngại dùng thêm các trang đính kèm.

5. Trình bày nguyện vọng vào lý lịch trích ngang

Sẽ thật sai lầm nếu trong lý lịch trích ngang bạn nêu quá nhiều về quan điểm của mình. Nếu muốn trình bày điều gì đặc biệt, hãy đưa chúng vào bức thư xin việc. Những câu kiểu như: “Mục tiêu của tôi là tìm được một công việc phù hợp, có thu nhập tốt trong một môi trường tôi có thể học hỏi và hoàn thiện bản thân…” không phù hợp để đưa vào lý lịch.

Thanh Tùng
Theo CBS