5 quan niệm sai lầm về nhân viên hướng nội
Các nhân viên hướng nội có kỹ năng quan sát tốt và luôn cân nhắc các lựa chọn một cách kỹ càng. Nếu không hiểu và không tận dụng khả năng của nguồn nhân lực này, bạn có thể mất đi những cơ hội tối ưu hóa hiệu suất của công ty.
Dưới đây là 5 quan niệm cần tránh khi quản lý nhân viên có tính cách hướng nội.
1. "Họ chẳng có gì để nói". Người hướng nội ít khi chia sẻ cảm nghĩ của mình. Nếu nhà quản lý muốn biết rõ về tình hình làm việc của họ, cách tốt nhất là gửi email hoặc gặp họ để hỏi han tình hình, giúp họ cởi mở chia sẻ những vấn đề trong công việc.
2. "Họ trả lời nhanh". Những nhân viên hướng nội cần thời gian để suy nghĩ và xử lý thông tin nhận được, họ lấy năng lượng từ chính mình để suy nghĩ và lên kế hoạch. Vì vậy, họ thường không đưa ra câu trả lời quá nhanh. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian suy ngẫm họ có thể trở nên sáng tạo và hiệu quả hơn rất nhiều.
3. "Họ ghét làm việc nhóm". Người hướng nội không trốn tránh làm việc nhóm mà muốn đóng góp theo cách riêng của họ. Những nhân viên hướng nội điển hình thường thể hiện tốt hơn khi họ có cơ hội nghĩ các ý kiến hoặc các chủ đề cuộc họp từ trước.
Vì vậy, hãy đưa ra một lịch trình rõ ràng trước khi họp để giúp công việc trở nên dễ dàng hơn đối với họ. Trong buổi họp, hãy nhớ dành ra những khoảng trống để họ lên tiếng.
4. "Họ thích môi trường mở". Một không gian làm việc mở thường được coi là có khả năng thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên. Nhưng không phải ai cũng thích làm việc trong môi trường đó.
Người hướng nội sẽ làm việc hiệu quả hơn trong môi trường tĩnh lặng và tách biệt, bởi họ rất dễ trở nên mệt mỏi sau những khoảng thời gian tương tác kéo dài với mọi người. Hãy nhớ dành ra những khoảng không tĩnh lặng để họ nghỉ ngơi, thư giãn vài phút trước khi quay lại với công việc bận rộn thường ngày.
5. "Họ không thể trở thành nhà lãnh đạo". Điều này hoàn toàn sai. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy người hướng nội có xu hướng chấp nhận sự khác biệt trong giao tiếp hơn những người hướng ngoại.
Họ không độc chiếm các cuộc hội thoại, thay vào đó, họ dành khoảng trống cho đồng nghiệp bày tỏ ý tưởng và suy nghĩ, giúp họ đưa ra những quyết định có căn cứ hơn so với các đồng nghiệp hướng ngoại.
Theo Báo Người lao động