5 điểm tương đồng giữa chơi golf và lãnh đạo doanh nghiệp
Hiếm có một tay golf nào chơi hoàn hảo từ đầu đến cuối trận đấu. Công việc lãnh đạo doanh nghiệp cũng vậy.
Kinh doanh cũng giống như chơi golf. Một golf thủ muốn giỏi cần có gậy golf tốt và chơi trong câu lạc bộ chuyên nghiệp. Điều này cũng giống như nhà lãnh đạo muốn thành công cần có trong tay nhân viên giỏi và chọn đúng công cụ hỗ trợ công việc kinh doanh.
Dưới đây là 5 điểm tương đồng giữa chơi golf và kinh doanh mà John Boitnott - nhà tư vấn truyền thông kỹ thuật số dày dạn kinh nghiệm, đồng thời cũng là cây viết quen thuộc trên USA Today, Fast Company, Venturebeat rút ra được từ kinh nghiệm chơi golf của bản thân lẫn những dịp tiếp xúc với các doanh nhân, golf thủ.
1. Chơi golf lẫn kinh doanh đều khó hơn bạn nghĩ
Không ít doanh nhân thiếu kinh nghiệm hăm hở bước chân vào thế giới kinh doanh rồi "vỡ mộng" vì điều hành doanh nghiệp vốn không đơn giản. Trong doanh giới, năng lực của một người thường được đánh giá thông qua quá trình nỗ lực làm việc của họ. Và điều này cũng đúng trong giới chơi golf.
Theo Boitnott, hành trình lập nghiệp qua lời tự kể của các doanh nhân/vận động viên thường nghe có vẻ êm đềm, nhưng thực tế không phải vậy. Nó đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức rèn luyện và sự kiên nhẫn.
"Rất ít vận động viên hay nhà lãnh đạo nào thành công mà không dành nhiều thời gian cần mẫn làm việc và mài giũa kỹ năng", ông chia sẻ. Tuy nhiên, phần lớn quãng thời gian khó khăn đó họ ít chia sẻ với ai. Họ thành công vì luôn hướng tới mục tiêu ban đầu.
2. Có chiến lược rõ ràng
Trước mỗi giải đấu, các tay golf hoặc nhân viên kéo bao gậy (caddy) của họ sẽ xem xét kỹ địa hình. Họ kiểm tra mặt sân, vị trí các lỗ hay xác định các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hướng bóng. Sau đó, golf thủ sẽ xây dựng chiến lược đánh phù hợp.
Quá trình chuẩn bị trên cũng giống như công việc của nhà lãnh đạo. Họ cân nhắc, tính toán chiến lược kỹ lưỡng trong thời gian 3 năm, 5 năm hay lâu hơn nữa.
Apple là ví dụ thành công điển hình cho việc lập chiến lược rõ ràng. Vào thời điểm mỗi chiếc máy tính bảng iPad Air có giá sản xuất 274 USD và bán với giá 499 USD thì đa phần các mẫu máy tính bảng khác trên thị trường có giá bán chỉ dao động quanh mức 200 USD hoặc thấp hơn.
Hiện Apple vẫn có thể bán sản phẩm của mình với giá cao nhờ theo đuổi chiến lược marketing khác biệt với các đối thủ. Boitnott nhận định, bí quyết ở đây là Hãng đã vạch ra chiến lược bán hàng phù hợp với từng giai đoạn khác nhau của sản phẩm và triển khai chúng thành công.
3. Tập trung vào việc ưu tiên
Boitnott chưa từng nhìn thấy tay golf huyền thoại Tiger Woods tự vác túi golf, ít nhất là trong suốt thời gian tham gia thi đấu. Nguyên nhân bởi đó không phải là việc một tay golf nên làm. Họ cần tập trung cao độ vào trận đấu với những đường banh chuẩn xác.
Thực tế, cũng có nhiều caddy từng là golf thủ tài năng nhưng sự cống hiến lớn nhất của họ là mang túi hoặc chia sẻ kinh nghiệm với những tay golf chuyên nghiệp về những cú đánh hiểm hóc.
Doanh nhân nên học hỏi phương pháp tập trung này. Họ cần có những trợ thủ đắc lực hoặc thuê nhân viên bên ngoài giải quyết công việc, để họ có thêm thời gian tập trung vào những vấn đề quan trọng hơn. "Dù là CEO của một startup nhỏ, bạn cũng không nên kiểm soát cả những chuyện lặt vặt trong công ty. Hãy tìm một người đại diện, tin tưởng và giao quyền quản lý cho họ", ông nói.
4. Học hỏi từ những sai lầm
Hiếm có một tay golf nào chơi hoàn hảo từ đầu đến cuối trận đấu. Bởi những người chơi giỏi mà Boitnott quen đều có chung một nhận định rằng, dù golf thủ có xuất sắc đến đâu thì vẫn có ít nhất một hay hai tình huống phát sinh ngoài dự kiến có thể ảnh hưởng đến cú đánh. Và dù cú đánh đó thành công hay thất bại thì kinh nghiệm trên vẫn là một bài học quý giá giúp họ cải thiện kỹ năng.
"Cách học tốt nhất của golf thủ là từ những trải nghiệm thực tế. Bí quyết chơi tốt của họ là tập trung cao độ và cố ngắm chính xác mục tiêu", ông nhận định.
Công việc lãnh đạo doanh nghiệp cũng vậy. Sẽ có những sự cố bất ngờ xảy ra khiến nhà lãnh đạo phạm sai lầm. Lúc đó, điều quan trọng họ cần nhớ là giữ vững tập trung vào mục tiêu và đừng để mất tinh thần.
Trong kinh doanh, doanh nhân cần có khả năng thích ứng nhanh, luôn chú ý đến mục tiêu đã định và tránh để cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến bản thân.
5. Theo đuổi mục tiêu tới cùng
Yếu tố tâm lý là thứ dễ đánh gục con người hơn bất kỳ thứ gì khác. Theo Boitnott, có nhiều doanh nhân cảm thấy thiếu tự tin về xuất phát điểm của mình, cho rằng họ thua kém những doanh nhân khác về một số mặt như: đam mê, thành tích, tài năng... Sự nghi ngờ lấp đầy tâm trí họ, từ đó ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định.
Tâm lý này cũng thường xuất hiện ở golf thủ, không ít trường hợp các tay golf chơi thiếu tập trung lúc mới vào sân. Tuy nhiên, sau khi "khởi động" bằng vài đường banh, họ sẽ nhanh chóng bắt nhịp trận đấu và hoàn thành xuất sắc phần thi.
Làm doanh nhân là công việc khó khăn nhưng không thể vì khởi đầu ít suôn sẻ hơn người khác mà bạn tự hạn chế năng lực bản thân. Bạn nên dành nhiều tuần hoặc nhiều tháng "sống" cùng với công việc kinh doanh rồi sau đó mới tự đánh giá năng lực lãnh đạo của mình. Nếu cần thiết, hãy thay đổi sản phẩm hay phương thức sản xuất. Dù có chuyện gì xảy ra cũng đừng từ bỏ công việc, hãy chiến đấu tới cùng và hoàn thành mục tiêu ban đầu.
Theo Vân Thảo
Doanh nhân Sài gòn