30 công nhân tại Malaysia kêu cứu vì bị ngược đãi

Sáng qua (29/9), hàng chục hộ dân ở Trà Vinh đã kéo đến Công ty Xuất nhập khẩu và Lương thực Trà Vinh khóc lóc, van xin công ty hãy giúp đỡ cho người thân của họ được trở về nước, thoát khỏi cảnh bị đánh đập, bỏ đói sau khi công ty đưa đi làm việc tại Malaysia.

Họ là người nhà của những lao động được Công ty Xuất nhập khẩu và Lương thực Trà Vinh ((IMEXTRAVINH, nguyên giám đốc của công ty này là ông Nguyễn Thọ Trí vừa bị bắt vì có liên quan đến băng nhóm Hai Chi) giới thiệu đưa đi làm việc ở Malaysia. 

 

Ký hợp đồng một đằng, làm việc một nẻo

 

Cách đây 2 năm, người của IMEXTRAVINH xuống gặp lãnh đạo xã Phong Phú, huyện Cầu Kè với mong muốn giúp người dân ở xã nghèo cấp quốc gia này được “đổi đời” bằng cách đi làm việc tại Malaysia. Được sự động viên của chính quyền xã, 30 người (trong đó có người đang làm giáo viên) hớn hở đăng ký đi sang xứ người. Sau đó, họ được đưa lên thị xã Trà Vinh học 4 tháng về ngoại ngữ và luật Malaysia.

 

Một năm sau, những người này được công ty đưa lên TPHCM khám sức khỏe và tất cả đều được “trúng tuyển”. Trở về nhà, họ đi vay tiền ngân hàng và vay “nóng” bên ngoài để có đủ số tiền gần 14 triệu đồng mua vé máy bay. Khi chia tay người thân và bạn bè vào ngày 28/11/2004, số lao động này không quên hẹn ngày gửi tiền “đô” về gia đình. Nào ngờ, ngày đầu tiên đặt chân đến Malaysia thì họ mới vỡ lẽ là mình đã bị lừa.

 

Chị Phượng (một giáo viên tại xã Phong Phú), chị ruột của một lao động tên Lưu Tuấn Đạt (SN 1971), chua chát nói: Trong hợp đồng, công ty ghi rõ là sang Malaysia thì sẽ được đưa vào làm việc tại một nhà máy chế biến gỗ, nếu làm ngày chủ nhật thì được lãnh số tiền gấp 2 lần ngày thường; còn làm ngày lễ số tiền sẽ nâng lên gấp 3 lần.

 

Thế nhưng, anh em bên đó gọi điện thoại về cho biết người bên đó bắt làm đủ mọi chuyện khác hoàn toàn trong hợp đồng, nhưng tiền lương thì chỉ ở mức 20 ringgit (trong đó có 2 ringgit tiền cơm); còn làm việc ngày chủ nhật và ngày lễ thì vẫn lãnh tiền bình thường.

 

Nhiều tháng, họ bị chủ trừ gần như toàn bộ số tiền lương vì làm không đạt yêu cầu dù chỉ 1 ngày. Do đó, kể từ ngày sang Malaysia làm việc đến nay, hầu như không một lao động nào trong số 30 người này có tiền gửi về quê.

 

Ăn, ngủ như tù nhân

 

Hơn nữa, toàn bộ số lao động này không được tham gia bảo hiểm và cũng không được bố trí chỗ nghỉ ngơi... Cứ 10 người thì bị chủ “nhốt” trong một container đặt giữa trời. Mọi chuyện ăn ngủ, tiểu tiện... đều ngay trong đó nên rất hôi thối. Hơn nữa, họ thường xuyên bị chủ đánh đập một cách tàn nhẫn, khiến cho nhiều người thường xuyên bị mê sảng khi ngủ, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng.

 

Nhiều lần, họ gửi thư về gia đình để nhờ công ty chuyển sang làm việc chỗ khác hoặc được trở về quê. Thế nhưng, khi thân nhân của họ đến gặp 2 người tên Duy và Hằng (người trực tiếp giải quyết việc xuất khẩu lao động của công ty), thì 2 người này đều tìm cách trốn tránh trách nhiệm hoặc “an ủi” theo kiểu: “Không có gì đâu, cố gắng chịu vài tháng rồi sẽ qua...”.

 

Chúng tôi trích đăng lá thư của anh Phạm Ngọc Hiếu gửi về cho vợ: “...Bây giờ làm ở đây không có bao nhiêu tiền, mà làm thì rất cực, không dám nghỉ tay. Nhiều lúc anh muốn về lắm, nhưng nghĩ lại về không tiền bạc buồn lắm. Ở làm thì quá khổ cực. Đi làm về phải đi gánh nước khoảng 150 m. Ở thì chật hẹp trong container. Nói chung là ở như... tù vậy...”.

 

Vì làm việc khổ sai nhưng ăn uống thiếu thốn, mất vệ sinh nên rất nhiều lao động thường xuyên bị bệnh nặng, thậm chí có người còn có dấu hiệu bị bệnh tâm thần như trường hợp của Đạt.

 

Đem lao động bị bệnh nặng ra đảo cho... chết

 

Cách nay khoảng 6 tháng, Đạt đã trốn về Việt Nam trong tình trạng “da bọc xương”. Đạt thuật lại: Do uống nhiều thuốc tâm thần nên cơ thể anh bị nóng, sinh ra bệnh trĩ. Do bệnh nặng nhiều ngày, nên Đạt không thể làm việc được. Và thế là ông chủ “cúp” luôn tiền ăn, cộng với cơ thể ngày càng suy nhược, Đạt nằm liệt giường 15 ngày.

 

Mọi người thấy vậy van xin ông chủ cho Đạt được trở về Việt Nam, nhưng ông chủ bảo rằng: “Muốn về thì phải đóng cho tao 2.000 ringgit. Nếu không cứ ở lại, chết tao bồi thường”.

 

Thấy sức khỏe của Đạt ngày càng yếu đi, ông chủ cho cận vệ chở Đạt ra sân bay và nói rằng sẽ cho Đạt về Việt Nam. Không ngờ, họ lại chở Đạt bỏ ở một hòn đảo. Tại đây, Đạt may mắn gặp được một người lao động cũng là người Việt Nam tên Nguyễn Quốc Dương. Chính người này giúp Đạt điều trị bệnh và mua vé máy bay cho Đạt trở về Việt Nam.

 

Chị Phượng nói trong nước mắt: “Về đến nhà, nó (Đạt) nằm liệt giường hơn 2 tháng. Gia đình tiếp tục đi vay mượn tiền để lo thuốc men cho nó. Từ một thanh niên khỏe mạnh bình thường, giờ đây nó không thể cầm được vật gì quá 10 kg”.

 

Vào lúc 16 giờ ngày 29/9, chúng tôi đến gặp lãnh đạo công ty để xác minh sự việc. Tuy nhiên, bảo vệ của công ty bảo rằng toàn bộ ban giám đốc đã đi công tác (!?). Còn về phía chính quyền xã Phong Phú thì cho rằng do những lao động này tự thổi phồng sự việc.

 

“Nếu tình hình không cải thiện, xin cho chúng tôi trở về Việt Nam”

 

23 giờ tối qua, 29/9, chúng tôi đã liên lạc bằng điện thoại với 8 công nhân Việt Nam đang làm việc cho Công ty Seehai Interprise ở số 6802, MK 12, Kampungbaaru Kasek Gelugor, Pulao thuộc tỉnh Penang (Malaysia). Thạch Thanh Vũ và Thạch Toàn Lộc, 2 trong số các công nhân này, đã kể về những nỗi khổ nhục mà các anh phải gánh chịu trong thời gian làm việc tại công ty này.

 

Theo Thạch Thanh Vũ, trong 4 ngày qua, do sự ngược đãi của lãnh đạo công ty, các anh phải sống trong cảnh đói khát vì đã hết tiền ăn trong khi giới chủ ở đây không cho phép các anh tiếp tục làm việc. Sự việc xảy ra sau khi 3 người trong số các anh, do hết tiền, đã phải bôn ba đến vay tạm những người bạn khác ở một tỉnh lân cận. Khi trở lại công ty, do trễ giờ làm, các anh đã bị giới chủ đuổi về.

 

Vũ cho biết nơi làm việc của các anh là một công trường lao động ở vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Penang, thiếu nhiều tiện nghi sinh hoạt. Mỗi khi các anh đưa tay lên để xin góp ý, kiến nghị điều gì thì liền bị những người phụ trách xung quanh ngăn cản, chửi mắng và dọa đánh đập.

 

Giọng nghẹn ngào, Thạch Thanh Vũ nói rằng ước nguyện lớn nhất của các anh lúc này là được phía đối tác của Việt Nam can thiệp với đơn vị mà các anh đang làm việc để chuyển qua làm việc một công ty khác có môi trường lao động dễ thở hơn. Nếu không được như vậy thì xin can thiệp để trở về Việt Nam.

 

Theo Phạm Công, Xuân Thạnh

Người Lao Động