Khoản 2 % kinh phí công đoàn: Phân chia ra sao khi có thêm tổ chức mới?

(Dân trí) - Từ năm 2021, bên cạnh công đoàn cơ sở, Luật Lao động 2019 cho phép có thêm tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Vậy, vấn đề chia sẻ nguồn kinh phí công đoàn ở doanh nghiệp sẽ ra sao?

Khoản 2 % kinh phí công đoàn: Phân chia ra sao khi có thêm tổ chức mới?

Đây là một trong những nội dung “nóng” tại Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Chương trình do Tổng LĐLĐ VN tổ chức hôm 26/6 tại Hà Nội.

Có thêm tổ chức mới

Trước đây, Luật Công đoàn 2012 đã nêu rõ, về kinh phí công đoàn, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, đoàn phí công đoàn của người lao động tham gia công đoàn sẽ bằng 1 % quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nhưng tối đa chỉ bằng 10 % tiền lương cơ sở.

Đây là những quy định cơ bản nhất tạo cơ sở cho nền tài chính công đoàn chủ động hoạt động trong nhiều năm qua.

Khoản 2 % kinh phí công đoàn: Phân chia ra sao khi có thêm tổ chức mới? - 1

Các đại biểu chia sẻ quan điểm tại Hội nghị (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Quy định này được xây dựng trong điều kiện Việt Nam có duy nhất 1 hệ thống công đoàn: Công đoàn Việt Nam.

Tuy nhiên từ ngày 1/1/2021, bên cạnh hệ thống Công đoàn Việt Nam, Luật Lao động 2019 cho phép thành lập và duy trì mô hình tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp có thể tồn tại từ 2 tổ chức tập hợp người lao động với quyền lợi và trách nhiệm bình đẳng như nhau trong quan hệ lao động.

Bên cạnh việc quy định về tổ chức và hoạt động, điều tất yếu sẽ được quan tâm tới đó là vấn đề chia sẻ nguồn kinh phí công đoàn giữa công đoàn cơ sở với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Điều này cũng được xem xét, nghiên cứu trong lần sửa đổi Luật Công đoàn lần này.

Đây là vấn đề mới chưa từng có trong tiền lệ của pháp luật lao động và công đoàn, tác động không nhỏ tới công đoàn Việt Nam - tổ chức chính trị xã hội với hơn 10 triệu đoàn viên công đoàn.

Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đang trong quá trình tiếp thu góp ý kiến xây dựng. 

Phân bổ ra sao? 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN - cho cho biết, Luật Công đoàn năm 1957, Luật Công đoàn năm 1990 và Luật Công đoàn năm 2012 đều quy định vấn đề tài chính công đoàn do tổ chức công đoàn tự quản và tự quyết định, không có sự can thiệp của Chính phủ, đúng với thông lệ quốc tế.

Khoản 2 % kinh phí công đoàn: Phân chia ra sao khi có thêm tổ chức mới? - 2

Ông Đặng Ngọc Tùng - Nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN - phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Chính vì vậy, quan điểm của ông Đặng Ngọc Tùng về việc chia sẻ nguồn 2 % kinh phí công đoàn cho các tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp là nên theo tỷ lệ đoàn viên của của các tổ chức.

Như vậy, nếu trong doanh nghiệp có 2 tổ chức gồm: Công đoàn cơ sở và tổ chức đại điện của người lao động tại doanh nghiệp (theo Luật Lao động 2019) thì căn cứ theo tỷ lệ người lao động tham gia vào tổ chức nào thì nguồn kinh phí công đoàn sẽ phân bổ theo tỷ lệ đó.

Theo ông Đặng Ngọc Tùng, quy định trên nên cần được cụ thể ngay trong Luật Công đoàn sửa đổi tới đây. Đồng thời, điều này cũng sẽ tốt nếu các bên cùng thực hiện nghiêm túc vì quyền lợi chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp.

Đồng quan điểm trên, ông Mai Đức Chính - nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho rằng, từ trước tới nay, Công đoàn Việt Nam vẫn phân chia theo lộ trình từ 65-75% trong khoản 2 % kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở, khoản còn lại phục vụ cho hoạt động của công đoàn cấp huyện, tỉnh và trung ương. 

Ông Mai Đức Chính cho rằng, sau thời điểm 1/1/2021, trường hợp doanh nghiệp chỉ có 1 tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp thì việc phân bố cũng nên theo nguyên tắc trên. 

“Trường hợp doanh nghiệp có cả tổ chức công đoàn cơ sở và tổ chức đại diện của người lao động, việc phân bổ nguồn kinh phí công đoàn nên căn cứ theo tỷ lệ người lao động tham gia vào từng tổ chức” - ông Mai Đức Chính nêu.

Nghiên cứu tên gọi “Quỹ hỗ trợ phát triển quan hệ lao động”

Thông qua tham luận về kinh phí công đoàn gửi tới Hội nghị, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - đã chia sẻ quan điểm riêng với nhiều phương án góp ý.

Trong đó có phương án đề xuất cân nhắc việc dùng tên gọi “Quỹ hỗ trợ phát triển quan hệ lao động” thay cho “kinh phí công đoàn”. Theo lý giải, điều này nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tương thích hệ thống pháp luật và các cam kết quốc tế, các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế.

Về cơ chế phân bổ kinh phí, ông Bùi Sỹ Lợi gợi ý việc tách bạch giữa nội dung chi cho hỗ trợ phát triển quan hệ lao động và các nội dung chi riêng trực tiếp cho người lao động.

Trên cơ sở đó bổ sung nguyên tắc thực hiện việc phân bổ (đối với tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp có thể theo tỷ lệ đoàn viên, hội viên) đối với nội dung chi trực tiếp cho người lao động.

Hoàng Mạnh