17 năm đôi vợ chồng công nhân trông mong về căn nhà, giấc mơ an cư

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Giấc mơ an cư của nhiều người lao động nhiều năm qua vẫn chưa thể thành hiện thực vì điều kiện, thu nhập không cho phép. Họ mong muốn được mua nhà ở xã hội, trả góp trong nhiều năm.

Hiện nay, vấn đề nhà ở luôn là mối quan tâm của hầu hết người lao động. Sau đại dịch Covid-19, cuộc sống của người lao động đang dần được cải thiện nhưng vẫn còn đó nhiều gánh nặng, con cái mỗi ngày một lớn, họ đang rất cần chỗ ở ổn định.

17 năm đôi vợ chồng công nhân trông mong về căn nhà, giấc mơ an cư - 1

Lên Hà Nội làm công nhân từ năm 2005 đến nay, vợ chồng chị Hồ Thị Bằng (39 tuổi, quê Tiên Lữ, Hưng Yên) chia sẻ, thu nhập bình quân của mỗi người dao động từ 8-10 triệu đồng. 17 năm qua, gia đình chị vẫn phải thuê nhà trọ để đi làm vì không có điều kiện mua được nhà riêng.

"Tính đến nay,  vợ chồng tôi đã làm công nhân được 17 năm, cũng ngần ấy thời gian là gắn bó với xóm trọ này. Lương cơ bản của hai vợ chồng mỗi người 7 triệu đồng/tháng, nếu tháng nào tăng ca đều thì được thêm 3-4 triệu đồng. Mức thu nhập của 2 vợ chồng tôi là khá, cứ nghĩ sẽ dành dụm mua được nhà, nhưng so thu nhập với chi tiêu của cả gia đình hiện tại thì chỉ đủ lo cho cuộc sống gia đình.

Vợ chồng tôi có 2 con, con gái đầu năm nay học lớp 8, cháu thứ 2 đang chuẩn bị vào lớp 1. Hai con lớn dần từng ngày nên vợ chồng tôi muốn thoát khỏi cảnh thuê nhà lắm nhưng hiện nay vẫn chưa thể nghĩ đến vì giá chung cư quá cao so với điều kiện kinh tế", chị Bằng chia sẻ.

17 năm đôi vợ chồng công nhân trông mong về căn nhà, giấc mơ an cư - 2

17 năm qua gia đình chị Bằng vẫn phải thuê nhà trọ vì không có điều kiện mua được nhà ở.

Để bỏ ra số tiền vài trăm triệu, nhiều hơn là tiền tỷ để mua chung cư với những người công nhân như vợ chồng chị Bằng là chuyện "nằm ngoài khả năng" của họ. Chị Bằng mong muốn được tiếp cận mua nhà ở xã hội để gia đình chị tiếp tục gắn bó với công việc hiện tại.

"Nói đến việc mua chung cư với công nhân như vợ chồng tôi khó tiếp cận được, bởi giá chung cư hiện nay cao quá, lương của vợ chồng tôi biết bao giờ mới mua được.

Giờ với khả năng của vợ chồng tôi chỉ mong mua được nhà ở xã hội, được hỗ trợ với vợ chồng dành dụm mỗi tháng 4-5 triệu đồng trả góp tiền mua nhà thì còn có thể", chị Bằng nói.

17 năm đôi vợ chồng công nhân trông mong về căn nhà, giấc mơ an cư - 3

Chị Bằng mong muốn sớm có những dự án nhà ở xã hội được xây dựng gần KCN để những gia đình có thu nhập thấp như chị có điều kiện "an cư".

Cũng là lao động ngoại tỉnh lên Hà Nội lập nghiệp, chị Nguyễn Thị Duyên (33 tuổi, Phủ Lý, Hà Nam) - công nhân công ty Fujikin (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, hai vợ chồng cùng làm công nhân nên thu nhập tạm ổn, may mắn lắm cũng chỉ đủ nuôi bốn miệng ăn, lo cho 2 con ăn học.

Ngoảnh đi ngoảnh lại đến nay vợ chồng chị Duyên đã gắn bó 13 năm ở xóm trọ. Chưa có tiền tích lũy, chị Duyên cũng không dám nghĩ đến việc mua nhà, cho dù là nhà ở xã hội mua trả góp.

17 năm đôi vợ chồng công nhân trông mong về căn nhà, giấc mơ an cư - 4

Chị Duyên mong muốn được Nhà nước có chính sách phù hợp về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có nhà ở phù hợp khả năng tài chính của mình.

"13 năm làm công nhân tôi gắn bó với duy nhất 1 công ty nên thu nhập luôn ổn định, đủ sống chứ không đến mức quá khó khăn. Giờ đây, dù luôn mong muốn có nơi ở ổn định để yên tâm gắn bó với công việc nhưng có thêm 2 đứa con trong khi lương công nhân vẫn vậy nên sao dám nghĩ tới việc mua chung cư.

Nghĩ việc mua nhà xã hội trả dần hàng tháng khả thi đấy nhưng hai vợ chồng chưa dám nghĩ đến. Mua nhà giờ cũng phải có sẵn một số tiền kha khá nhưng vợ chồng mình chưa có nên cũng không quan tâm", chị Duyên cười.

Với những người ở trọ như chị Bằng, chị Duyên việc mua nhà ở xã hội để an cư cũng là mong muốn rất lớn đối với họ. Tuy nhiên, việc tiếp cận các thông tin liên quan đến nguồn cung nhà ở xã hội còn ít, thiếu kênh thông tin chính thống để tiếp cận.