1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nam Định:

150 doanh nghiệp và hơn 2.600 lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Đức Văn

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại Nam Định có 150 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó có 9 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động với hơn 2.600 lao động bị ngừng, chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã làm 150 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do giảm nguyên liệu đầu vào, không xuất khẩu được hàng hóa...

Trong 150 doanh nghiệp này, có 9 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động với tổng số trên 2.600 lao động bị ngừng, chấm dứt hợp đồng lao động, trong đó có 270 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Dịch Covid-19 cũng làm các doanh nghiệp ngành cơ khí, chế biến lâm sản, thực phẩm, sản xuất nhựa gia dụng, dệt sợi… gặp nhiều khó khăn. Trong đó, số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động do gặp khó khăn về thị trường, sụt giảm hoặc không có đơn hàng chiếm 22,8%, khó khăn về nguyên liệu đầu vào chiếm 5%; số doanh nghiệp chưa hoặc ít gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chiếm trên 65%.

150 doanh nghiệp và hơn 2.600 lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 - 1

Dịch Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp tại Nan Định bị ảnh hưởng

Do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nên nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động để giảm chi phí. Trong đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng dẫn đến phải cắt giảm công nhân lao động bằng nhiều hình thức như: chấm dứt hợp đồng lao động với những người hết hạn hợp đồng, không ký hợp đồng chính thức với những lao động đang trong giai đoạn học việc, nghỉ luân phiên, hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động…

Ngoài ra, để hỗ trợ khó khăn va giữ chân người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, một số doanh nghiệp đã thực hiện hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/1 người/1 tháng.

Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với Công đoàn các khu công nghiệp thường xuyên nắm bắt thông tin hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời làm việc, hướng dẫn, theo dõi các doanh nghiệp thực hiện việc trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc theo quy định.

150 doanh nghiệp và hơn 2.600 lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 - 2

Công đoàn Công ty Cổ phần Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam, Nam Định trao quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn (ảnh báo Nam Định)

Bên cạnh việc các chủ doanh nghiệp có “động thái” hỗ trợ người lao động, để bảo vệ quyền lợi của người lao động, Liên đoàn lao động tỉnh Nam Định cũng vận động cán bộ chuyên trách Công đoàn ủng hộ mỗi tháng 1 ngày lương, trong 3 tháng (6, 7, 8) nộp về quỹ xã hội của LĐLĐ tỉnh để thăm hỏi động viên công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngoài ra, Công đoàn các khu công nghiệp, Ban nữ công cơ sở khu công nghiệp, Công đoàn cơ sở… cũng tổ chức trao quà cho các gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn…

Trước đó, kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do Cục Thống kê tỉnh Nam Định công bố, cho biết: tại thời điểm điều tra (10/4-20/4/2020), có tới 79,1% số doanh nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh bị tác động của dịch Covid-19.

Theo quy mô, các doanh nghiệp nhỏ chịu tác động của dịch chiếm tỷ lệ 90,9% (cao nhất); nhóm doanh nghiệp lớn có 90,3% chịu tác động; nhóm doanh nghiệp vừa có 88,6%; nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ có 71,9%.

Theo ngành kinh tế, ngành dịch vụ ăn uống có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch cao nhất, với 94,7%; sản xuất máy móc thiết bị 94,7%; ngành dệt với 90,8%. Tiếp đến là các ngành may trang phục, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, dịch vụ lưu trú, giáo dục và đào tạo…

Theo thống kê trong "Hội nghị giao ban công tác Lao động, người có công và xã hội 9 tháng năm 2020" của Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định, hầu hết các chỉ tiêu của ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nên có một số nhiệm vụ còn chậm so với kế hoạch, một số khó khăn mới phát sinh.

Chỉ tiêu giải quyết việc làm toàn tỉnh Nam Định đạt thấp, ước đạt gần 60% kế hoạch, số lao động đề nghị hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp tăng 56% so với cùng kỳ năm 2019, thực hiện Đào tạo nghề cho 21.325 người (đạt 60,6% kế hoạch).

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đơn giản hóa, giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của Sở.