1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

120 hộ dân có nguy cơ mất đất sản xuất vì sông Ngàn Phố sạt lở

Dương Nguyên

(Dân trí) - Những năm gần đây, sông Ngàn Phố ở Hà Tĩnh thay đổi dòng chảy dẫn đến tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân.

Khu đất Bãi Bè có diện tích hơn 25ha, nằm bên bờ sông Ngàn Phố. Đây là nơi canh tác cây hoa màu như ngô, sắn, đậu của 120 hộ dân thôn Kim Thành, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Những năm gần đây, khu vực này xảy ra sạt lở, nhiều diện tích đất canh tác trôi tuột xuống lòng sông. Sau mỗi trận mưa lũ, tình trạng này diễn ra mạnh hơn.

120 hộ dân có nguy cơ mất đất sản xuất vì sông Ngàn Phố sạt lở - 1

Khu đất Bãi Bè chạy men theo sông Ngàn Phố (Ảnh: Dương Nguyên).

Điều đó khiến lòng sông ngày càng mở rộng, diện tích đất sản xuất ngày càng ít dần.

Theo nhiều hộ dân, 5 năm trước, cầu Trung Lưu (nối liền hai thôn Kim Thành và Trung Lưu, xã Sơn Tây), khi được thi công xong đã làm thay đổi dòng chảy của sông Ngàn Phố, dẫn đến tình trạng sạt lở.

120 hộ dân có nguy cơ mất đất sản xuất vì sông Ngàn Phố sạt lở - 2

Đất canh tác sạt lở, cuốn trôi theo dòng nước khiến người dân lo ngại (Ảnh: Dương Nguyên).

Mỗi năm, sông "ăn sâu" vào bờ khoảng 15-20m, khu vực này mất khoảng 1ha diện tích đất sản xuất. Bãi Bè từng có tổng diện tích hơn 30ha, đến nay chỉ còn khoảng 25ha.

Bà Nguyễn Thị Loan (68 tuổi, trú thôn Kim Thành, xã Sơn Tây) cho biết, gia đình có 750m2 đất canh tác tại khu Bãi Bè. Từ năm 2020 đến nay, diện tích đất của gia đình bà Loan giảm xuống còn 350m2.

"Đất sản xuất bị cuốn trôi, thu nhập ổn định hàng năm của gia đình tôi cũng giảm hơn một nửa", bà Loan ngậm ngùi.

120 hộ dân có nguy cơ mất đất sản xuất vì sông Ngàn Phố sạt lở - 3

Sông Ngàn Phố thay đổi dòng chảy dẫn đến tình trạng một bên sạt lở, một bên bồi lắng (Ảnh: Dương Nguyên).

Trước tình trạng này, bà Loan cũng như người dân mong muốn các ngành chức năng sớm có phương án, giải pháp khắc phục như xây bờ kè kiên cố. Nếu không, 120 hộ dân có nguy cơ mất hoàn toàn đất sản xuất trong tương lai.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Cao Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Sơn Tây, cho biết những năm qua, đoạn sông Ngàn Phố chảy qua địa phương xảy ra tình trạng một bên bờ sạt lở, bên đối diện bồi lắng. Khu vực sạt lở kéo dài 40-50m là đất sản xuất hoa màu của các hộ dân.

"Việc xây dựng bờ kè kiên cố chống sạt lở cần kinh phí khá lớn, địa phương không có ngân sách. Vì thế, chúng tôi đã đề xuất, mong tỉnh, huyện hỗ trợ xây dựng bờ kè để giữ đất cho người dân. Cấp trên cho biết sẽ xem xét đưa vấn đề này vào dự án xây dựng các công trình cơ bản", ông Đức nói.