1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gia Lai: Vợ chồng nông dân mày mò trồng dược liệu đông trùng hạ thảo

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Quyết định rời bỏ cây cà phê, vợ chồng chị Nguyễn Thị Liên (huyện Chư Păh, Gia Lai) đã mày mò nghiên cứu nuôi đông trùng hạ thảo. Nhờ sự quyết đoán, vợ chồng người nông dân này đã có thu nhập khá cao.

Từ lâu nay, gia đình chị Nguyễn Thị Liên (tổ dân phố 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai) vốn gắn bó với 5 sào đất trồng cà phê. “Một nắng, hai sương” với nghề trồng cà phê nhưng vẫn không thể giúp gia đình khấm khá.

Ngược lại, kinh tế gia đình gặp khó khăn do giá cả bấp bênh, không có đầu ra. Qua tìm hiểu và khảo sát nhiều mô hình phát triển kinh tế, vợ chồng anh chị Liên đã quyết định bỏ hàng trăm triệu đồng để đầu tư trồng cây đông trùng hạ thảo, một loại dược liệu quý hiếm.

Mô hình nuôi đông trùng hạ thảo của vợ chồng nông dân

Khởi nghiệp từ mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo đã giúp cho gia đình chị Liên “thoát nghèo”. Chị Liên cho biết: "Đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu quý và có nhiều chức năng chữa bệnh nên gia đình đã học cách nuôi trồng. Ban đầu, việc khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn vì vốn lớn, kỹ thuật, nguồn giống".

Sau nhiều thấy bại, giờ gia đình đã nuôi cấy thành công và đã đưa ra thị trường tiêu thụ.

Gia Lai: Vợ chồng nông dân mày mò trồng dược liệu đông trùng hạ thảo - 1
Sau nhiều tháng nghiên cứu, vợ chồng chị Liên đã mạnh dạn nuôi trồng loại dược liệu quý là cây đông trùng hạ thảo

Theo đó, vợ chồng anh chị Liên đã mạnh dạn bỏ ra gần 300 triệu đồng để mua máy móc và công nghệ rồi bắt tay vào trồng thử nghiệm.

Đến thời điểm hiện tại, gia đình đã đầu tư phòng thí nghiệm, các loại máy sấy, phân lập chủng nấm… với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng. Do các thiết bị, đồ dùng cho việc nuôi đông trùng hạ thảo rất tốn kém nên anh chị phải tích góp và đầu tư dần.

Gia Lai: Vợ chồng nông dân mày mò trồng dược liệu đông trùng hạ thảo - 2
Vợ chồng chị Liên đang nuôi cấy 1.000 hộp/tháng, tỷ lệ thành công tới 70-80%.

Chị Liên cho biết: “Ban đầu mình rất lo vì vốn bỏ ra lớn. Nhưng qua quá trình trồng và nghiên cứu thì vợ chồng cũng đam mê, “mất ăn, mất ngủ” vì loại dược liệu này. Hiện cơ sở đang nuôi cấy 1.000 hộp/tháng, tỷ lệ thành công tới 70-80%".

Riêng giống đông trùng hạ thảo được cấy trên xác động vật nhộng tằm được chị bán giá 80.000-100.000 đồng/con, loại đông trùng hạ thảo khô 10gr có giá 1 triệu đồng cùng nhiều sản phẩm khác.

Vì là cây dược liệu quý hiếm và phải trồng trong môi trường vô trùng của phòng thí nghiệm nên vợ chồng anh chị Liên đã đi học hỏi khắp nơi. 

Cụ thể, quy trình, sản xuất đông trùng hạ thảo phải tuân thủ nghiêm ngặt, môi trường phải vô trùng, tiệt trùng hoàn toàn, nếu sơ ý là hỏng hết toàn bộ sản phẩm. Vào phòng nuôi trồng đều phải mặc áo blouse trắng, đeo găng tay đầy đủ để tránh nhiễm khuẩn, nấm bệnh.

Nhằm tăng thêm lợi nhuận, vợ chồng anh chị Liên đã nghiên cứu để cấy đông trùng hạ thảo trên nhộng tằm nhằm bán được với giá rất cao vì loại này có nhiều hàm chất dinh dưỡng.

Gia Lai: Vợ chồng nông dân mày mò trồng dược liệu đông trùng hạ thảo - 3
Để nuôi trồng loại dược liệu quý này, vợ chồng anh chị đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư

Trước khi đưa ra thị trường, mỗi lô sản phẩm của gia đình anh chị đều được gửi mẫu đi kiểm tra thành phần dược tính, kết quả đều ở mức khá cao. Quan trọng nhất là 2 dược chất chỉ tồn tại ở đông trùng hạ thảo, có tác dụng ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển là Adenosin và  Cordycepin đều có trong sản phẩm.

Hiện tại, vợ chồng chị Liên đã mở cơ sở kinh doanh đông trùng hạ thảo mang tên Trung Phúc, bán ra thị trường nhiều loại sản phẩm như: Đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo sấy khô, ngâm rượu, ngâm mật ong… và nhất là đông trùng hạ thảo cấy trên xác động vật nhộng tằm.

Nhờ mô hình nuôi đông trùng hạ thảo đã mang lại thu nhập khoảng 25 - 30 triệu đồng/mỗi tháng cho gia đình. Không những thế, gia đình anh chị còn làm trồng dâu, nuôi tằm, mỗi quý lãi khoảng từ 10 - 15 triệu đồng

Gia Lai: Vợ chồng nông dân mày mò trồng dược liệu đông trùng hạ thảo - 4
Đặc biệt, vợ chồng người nông dân còn nghiên cứu làm ra rất nhiều sản phẩm từ loại dược liệu quý này

Cuối năm 2019, Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh Gia Lai đã đánh giá sản phẩm đông trùng hạ thảo của cơ sở Trung Phúc đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đồng thời, gia đình chị Liên cũng đã đăng ký, chờ cấp nhãn hiệu đông trùng hạ thảo mang tên Trung Phúc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Long (Chủ tịch UBND thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh cho biết): “Mô hình nuôi đông trùng hạ thảo và trồng dâu nuôi tằm của gia đình chị Liên đã mở ra nhiều hướng đi mới cho nông dân trên địa bàn. Huyện và thị trấn đã tổ chức nhiều buổi cho các nông dân trên địa bàn đến trực tiếp để học hỏi kinh nghiệm, cách chăm sóc nhằm mở rộng mô hình…"

Đối với những mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh chị đã giúp giải quyết việc làm cho gần khoảng 5 - 7 nhân công trên địa bàn. Đặc biệt, anh chị còn tận tình hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi cấy nếu các nông dân nào muốn thực hiện.