Chuyên gia giải đáp những thắc mắc về Đông trùng hạ thảo: Rất tốt nhưng không phải thần dược!
(Dân trí) - Đông trùng hạ thảo vẫn được ví von là một loại “thần dược”, với mức giá trên thị trường có thể lên đến cả tỷ đồng cho mỗi cân. Vậy loại biệt dược “đắt hơn vàng” này thực chất là gì? Và giá trị sức khỏe mang lại cho người dùng có tương xứng với cái giá trên trời của nó?
Theo tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn, chuyên gia nấm ăn, nấm dược liệu - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tên gọi “Đông trùng hạ thảo” là để chỉ rất nhiều loài có cùng kiểu vòng đời trong một chi của ngành Nấm Túi có tên là Cordyceps.
Tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn, chuyên gia nấm ăn, nấm dược liệu - Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Khi đến mùa Xuân, khí hậu đạt điều kiện nhiệt độ tối ưu: 17-20 độ C, độ ẩm tốt cũng như điều kiện sinh thái khác phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển nấm Đông trùng hạ thảo, lúc này hệ sợi nấm đã phát triển dày đặc bên trong xác của vật chủ, sẽ hình thành quả thể màu vàng cam, trắng hoặc nâu, nâu đen… mọc lên từ xác côn trùng.
Vòng đời đặc trưng của nấm Đông trùng hạ thảo
“Trong số các loài thuộc chi Cordyceps có cùng kiểu vòng đời đặc trưng kể trên, thì hai loài Cordyceps militaris và Cordyceps sinensis là được tập trung nghiên cứu, cũng như sử dụng nhiều hơn cả.”, Tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn cho biết.
Chuyên gia này cho biết Cordyceps sinensis là loại Đông trùng hạ thảo vẫn chưa thể nuôi trồng nhân tạo ra quả thể, mà được thu thập tự nhiên ở những vùng núi có độ cao từ 3500 đến 5000 mét của Tây Tạng, Thanh Hải (Trung Quốc), Nepal. Do đó, Cordyceps sinensis rất khan hiếm và có giá thành cực kỳ đắt đỏ (từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng mỗi cân).
Người dân Tây Tạng săn tìm nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis trên vùng núi cao.
Loài Cordyceps militaris (đôi khi còn được gọi là Nhộng trùng thảo để phân biệt với loài Cordyceps sinensis) đã được hoàn thiện kỹ thuật nuôi trồng nhân tạo và hiện đang được sản xuất chủ yếu ở: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan và Việt Nam. Ở nước ta, Cordyceps militaris thường được nuôi trên nhộng tằm và con tằm đang ở tuổi trường thành, trên giá thể hữu cơ tổng hợp.
Mô hình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris.
Qua đây, tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn cũng khuyến cáo người tiêu dùng: “Vì sản lượng rất khan hiếm và giá thành cực kỳ cao, loại Đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis rất hay bị làm giả. Do đó, khi muốn mua Cordyceps sinensis, Quý độc giả cần tìm những địa chỉ đáng tin cậy, có xác minh nguồn gốc rõ ràng”.
Phân tích về các dưỡng chất quý mà nấm Đông trùng hạ thảo sở hữu, tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn nói: “Thành phần dưỡng chất, cũng như hoạt tính dược liệu của Đông trùng hạ thảo đã được phân tích rất kỹ, qua nhiều nghiên cứu được thực hiện trong nước và trên thế giới. Trong đó, cordiceppin và adenosine là hai hoạt chất điển hình của nấm Đông trùng hạ thảo. Ngoài ra, còn có các thành phần quý khác như: mannitol, axit amin, vitamin, khoáng chất…”
Nấm Cordyceps militaris được nuôi trên giá thể hữu cơ.
“Đối với loại nấm Đông trùng hạ thảo được nuôi trồng (Cordyceps militaris) thành phần các chất, đặc biệt là cordycepin và adenosine có sự khác nhau giữa các sản phẩm, nguyên nhân chính đến từ sự khác biệt về chủng giống, công nghệ nuôi trồng. Điển hình như những sản phẩm được nuôi trên giá thể hữu cơ tổng hợp, mỗi hãng sản xuất lại có một công thức pha chế môi trường giá thể khác nhau. Vì vậy, chất lượng của thành phẩm cũng vì đó mà có sự chênh lệch rõ rệt.” – Tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn nhấn mạnh.
Với những hoạt chất mà mình sở hữu, nấm Đông trùng hạ thảo đã được chứng minh là có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, khi được dùng ổn định và đều đặn.
Trước hết, Đông trùng hạ thảo có tác dụng nâng đỡ cơ thể nên rất tốt với những người dùng cần phục hồi, tăng cường sức khỏe như: bệnh nhân sau mổ, người thể trạng yếu, người già, người bệnh. Đối với các bệnh nhân bị tiểu đường, loại nấm này sẽ hỗ trợ hạ đường huyết và duy trì chỉ số đường huyết ở mức ổn định.
Các hoạt chất có trong nấm Đông trùng hạ thảo cũng hỗ trợ rất tốt cho những bệnh nhân tim mạch và hen suyễn mãn tính. Đặc biệt, loại nấm quý này có thể sử dụng như một sản phẩm bổ trợ tiềm năng cho các liệu pháp chữa trị ung thư bằng xạ trị, hóa trị, bởi bên cạnh việc giúp hạn chế các tác động xấu đến cơ thể của hóa chất và tia phóng xạ, giúp cơ thể nhanh phục hồi, Đông trùng hạ thảo còn được chứng minh là có khả năng ức chế sự phát triển trở lại của các tề bào ung thư.
Tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn cũng nhấn mạnh: “Dù có nhiều công dụng nhưng Đông trùng hạ thảo không phải là một loại thần dược có khả năng chữa bách bệnh, mà thực chất chỉ có tác dụng như một thực phẩm chức năng, thảo dược bồi bổ sức khỏe, bổ trợ cho các liệu pháp phòng trị bệnh khác."
Về vấn đề này, trước hết, tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn khuyến cáo rằng, các em nhỏ chưa đến tuổi dậy thì tốt nhất không nên sử dụng nấm Đông trùng hạ thảo, bởi khi dùng với liều lượng cao có thể gây dậy thì sớm. Ngoài ra, giá thể nuôi Đông trùng hạ thảo thường có nguồn gốc từ côn trùng (tằm và nhộng tằm), nên những người bị dị ứng với nhộng tằm cần hết sức cẩn trọng. Tốt nhất, ban đầu chỉ sử dụng liều lượng ít và theo dõi phản ứng của cơ thể rồi mới tăng dần liều lượng.
Đối với người bình thường, muốn duy trì sử dụng Đông trùng hạ thảo một cách đều đặn thì dùng 1,5 đến 3 gam (đối với sản phẩm khô) và 10-15 gam (đối với sản phẩm tươi) mỗi ngày.
Cách sử dụng Đông trùng hạ thảo rất đơn giản. Chỉ cần hãm trong nước sôi khoảng 5-7 phút thì phần lớn các hoạt chất dược liệu đã hòa vào trong nước. Nước lúc này có màu vàng, vị thơm ngọt đặc trưng. Lưu ý, ngoài uống nước chúng ta cũng nên nhai hết cả bã nấm để lấy được hết dưỡng chất.
Minh Nhật