1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá bán than tăng gây khó cho các nhà máy nhiệt điện

Từ ngày 21/7, giá bán than cho các nhà máy điện tăng thêm 74.000 đồng/tấn (tăng xấp xỉ 5%) đã gây sức ép không nhỏ cho hoạt động của các nhà máy nhiệt điện nói riêng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói chung.

Giá than tăng gần 5% tạo sức ép rất lớn cho các nhà máy nhiệt điện - Ảnh: Xuân Tiến
Giá than tăng gần 5% tạo sức ép rất lớn cho các nhà máy nhiệt điện - Ảnh: Xuân Tiến

Theo ông Nguyễn Loãn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Phát điện 1 (GENCO 1), hiện nay giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện là 1.484.000 đồng/tấn. Việc tăng giá bán than rõ ràng đã làm tăng chi phí sản xuất điện. Đặc biệt, trong những tháng cao điểm mùa khô này, EVN luôn phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than và khí.

Hiện tại, GENCO 1 đang quản lý cụm Nhiệt điện Uông Bí (gồm Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, Uông Bí mở rộng và Uông Bí mở rộng 2) công suất 730 MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn than và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (gồm Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Quảng Ninh 2) công suất 1.200 MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 3 triệu tấn than. Như vậy với giá than tăng thêm 74.000 đồng/tấn, thì mỗi năm, chỉ tính riêng chi phí mua nguyên liệu đầu vào là than, đảm bảo cho các nhà máy hoạt động bình thường, GENCO 1 cần có thêm 370 tỷ đồng.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự như GENCO 1, Tổng công ty Phát điện 2 (GENCO 2) quản lý 2 đơn vị nhiệt điện lớn là Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (công suất 1.040 MW) và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (công suất 1.200 MW). giá than tăng cũng khiến chi phí tăng cao. Theo ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc GENCO 2, đây là 2 công ty sản xuất điện lớn (khoảng 6 tỷ kWh điện/năm) chiếm khoảng 5% sản lượng điện toàn hệ thống. Mức tiêu thụ than của 2 đơn vị này vào khoảng 7 triệu tấn/năm. Với giá bán than tăng thêm 74.000 đồng/tấn, hàng năm, GENCO 2 cần thêm khoảng 500 tỷ đồng để mua than sản xuất điện.

Ông Nguyễn Văn Tạo, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết, giá than chiếm khoảng 50% tổng chi phí sản xuất điện. Nhiệt điện Quảng Ninh hiện có 4 tổ máy phải phát hết công suất do các nhà máy thủy điện thiếu nước, nên khi than tăng giá thì sẽ tác động đến giá điện và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của đơn vị.

Trao đổi với evn.com.vn, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định: “Việc tăng giá bán than đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho ngành Than, đồng thời đưa giá bán than cho điện tiến tới giá thị trường. Tuy nhiên, điều này làm cho chi phí sản xuất điện tăng lên. Theo tôi, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, EVN cần cùng ngồi lại với nhau tính toán, cân đối các thông số đầu vào cơ bản cho sản xuất điện, để có mức điều chỉnh về giá điện hợp lý, gỡ khó cho EVN”.

Nguyên tắc điều chỉnh giá phát điện từng năm trong hợp đồng mua bán điện:

Giá biến đổi của nhà máy nhiệt điện được điều chỉnh hàng năm theo biến động giá nhiên liệu cho phát điện tại thời điểm thanh toán. Trường hợp giá nhiên liệu được quy định bằng ngoại tệ, giá biến đổi được điều chỉnh theo tỷ giá thực tế tại thời điểm thanh toán do một ngân hàng thương mại công bố do 2 bên thỏa thuận.

(Theo Điều 13, Thông tư 41/2010 /TT- BCT ngày 14/12/2010 của Bộ Công Thương)

 
Theo Xuân Tiến
Báo Xây Dựng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm