Ba nỗi thất vọng của Metro trong 12 năm ở Việt Nam
(Dân trí) - Mặc dù luôn báo lỗ kinh doanh đến 11/12 năm hoạt động nhưng Metro Việt Nam đã mở siêu thị “đều như vắt chanh” tại 15 tỉnh thành phố, trung bình mỗi năm mở 1,6 siêu thị.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Mở siêu thị “đều như vắt chanh” dù luôn thua lỗ
Mặc dù luôn báo lỗ kinh doanh đến 11 năm trong 12 năm hoạt động nhưng Metro Việt Nam đã mở siêu thị “đều như vắt chanh” tại 15 tỉnh thành phố, trung bình mỗi năm mở 1,6 siêu thị. Từ năm 2010 – 2012, có thời điểm Metro mở đến 4 siêu thị khiến các đại gia bán lẻ có mặt tại Việt Nam “hoa mặt chóng mày”. Các địa vàn tỉnh thành đều có, trong đó tại TP HCM, Hà Nội đều có ba siêu thị, còn các tỉnh như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh khác đều có một đại siêu thị. Điểm chung là Metro chọn địa điểm ngoại ô thành phố, với diện tích đất sử dụng tương đối lớn và hầu hết chỉ có 1 tầng.
Lựa chọn chỗ đặt siêu thị cũng là một trong những tính toán lợi ích của Metr. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì: Hai nguyên nhân khiến Metro chọn ngoại ô thành phố để đặt đại siêu thị, đó là họ chọn những vị trí thuận tiện giao thông, bên những trục đường lớn. Thứ hai là chọn vị trí xa trung tâm những vẫn nằm khu vực ngoại ô thành phố, ở vị trí này họ sẽ được khuyến khích hơn về thuế sử dụng đất. Bên cạnh đó, Metro không quá chú trọng vào xây dựng đại siêu thị phức hợp với những tòa nhà cao tầng, tốn kém chi phí xây dựng, họ chủ yếu xây dựng tầng trệt đây cũng là tiêu chí để họ có được lợi nhuận.
Mô hình bán sỉ gây thất vọng
Trong quy định của Metro, khách hàng chỉ được mua và thanh toán hóa đơn hàng từ Metro khi có thẻ hội viên, bán buôn cũng là hình thức kinh doanh chính trong giấy phép kinh doanh của Metro. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các siêu thị của Metro nhiều khách hàng mua lẻ bằng tài khoản của người khác vẫn được, thậm chí còn được nhập với 1 tên hoàn toàn xa lạ với mã số thuế họ không hề hay biết.
Vào sau Big C của Pháp mấy năm nhưng cách thức bán hàng khác lạ: bán sỉ (buôn), chỉ khách hàng có thẻ mới được mua hàng đã tạo điểm nhấn cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Với phong cách chuyên nghiệp, đẳng cấp, chuỗi phân phối hàng hóa khép kín ngay từ đầu Metro đã thu hút rất nhiều khách hàng là doanh nghiệp, hộ gia đình đến mua với số lượng lớn vì đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh.
Tuy nhiên, sau này các hộ buôn bán nhỏ lẻ không tìm đến Metro là kênh phân phối quan trọng vì giá cả. Các khách hàng là doanh nghiệp, doanh nhân mua với số lượng lớn cũng khó có thể đánh giá cao dịch vụ của Metro vì họ phải tự vận chuyện hàng hóa từ Metro về nhà. Thói quen mua sắm bằng thẻ hội viên là một phong cách tiêu dùng mới và đẳng cấp nhưng nó không được phổ biến và đơn giản hóa đối với đại đa số người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh đó, thủ tục làm thẻ hội viên đối với hộ kinh doanh, doanh nghiệp cần khai thông tin mã số thuế, giấy phép kinh doanh… đây là một trong những phiền hà và không phải ai cũng thích.
11 năm báo lỗ dù doanh thu tăng hơn 20 lần
Ngành thuế cũng công bố trong hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 116 tỷ đồng. Các năm còn lại, con số lỗ của của Metro dao động từ 89 đến 160 tỷ đồng. Do đó, doanh nghiệp này không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, chỉ phải nộp thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu.
Tuy nhiên, tại Báo cáo tài chính của Tập đoàn Metro năm 2002 – 2013, doanh thu của Tập đoàn này tại Việt Nam lại tăng hơn 20 lần, từ 600 tỷ đồng (2002) lên đến 14.731 tỷ năm 2013. Đây rõ ràng là dấu hỏi về hành vi chuyển giá của DN này đến Cty mẹ.
Được biết, quý 2/2014 Tập đoàn Metro cũng thông báo lỗ 63 triệu euro (84,4 triệu USD) trong doanh thu toàn cầu của tập đoàn này. Tệ hơn so với mức lỗ 33 triệu euro của cùng kỳ năm 2013. Đáng chú ý Quý II/2014, doanh số bán hàng của Metro AG chỉ đạt 14,86 tỷ euro giảm 2,7% so cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ 2 liên tiếp doanh thu của Tập đoàn bị sụt giảm sau lần giảm 3,3% vào quý trước.