Thanh Hóa:
Yêu cầu dừng hoạt động tư vấn, giới thiệu sản phẩm của công ty ViNaCo
(Dân trí) - Liên quan đến việc, một số Công ty mượn nhà văn hóa thôn, phố bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tem mác. UBND TP Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu dừng hoạt động tư vấn, giới thiệu sản phẩm của Cty ViNaCo do vi phạm.
Cụ thể, trong một văn bản mới ban hành, UBND TP. Thanh Hóa cho biết, trước đây, Uỷ ban này đã cho phép Công ty CP truyền thông ViNaCo (có địa chỉ tại Hà Nội) đến các phường, xã trên địa bàn thành phố để liên hệ tổ chức hội nghị giới thiệu, tư vấn sản phẩm nồi áp suất, bếp hồng ngoại, máy xay sinh tố đa năng nhãn hiệu Okatashi, Tohaka, Sikama, Sasuke thời gian từ ngày 21/4/2017 đến 5/6/2017.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công ty đã không thực hiện đúng nội dung Văn bản số 1296/UBND-KT ngày 21/4/2017 của UBND thành phố và bị Cơ quan quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, phát hiện công ty triển khai bán hàng tại nhà văn hóa của một số phường, xã trên địa bàn thành phố.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa đã chỉ đạo chấm dứt việc tổ chức tư vấn, giới thiệu sản phẩm của Công ty ViNaCo tại các phường, xã trên địa bàn thành phố kể từ ngày 28/4/2017.
Đồng thời yêu cầu Công ty ViNaCo chấp hành nghiêm việc xử lý vi phạm hành chính với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chỉ được hoạt động thương mại, giới thiệu, tư vấn sản phẩm trên địa bàn thành phố khi đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, đề nghị công ty liên hệ với các siêu thị, trung tâm thương mại trên thành phố để thực hiện.
Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, thời gian vừa qua, một nhóm bán hàng của Công ty ViNaCo đã đến một số nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tư vấn, giới thiệu sản phẩm.
Ngày 25/4 vừa qua, cty ViNaCo xuống một số nhà văn hóa thuộc các phố trên địa bàn TP Thanh Hóa lại xưng là Công ty Quyết Thắng để bán hàng, khuyến mại sản phẩm trái quy định. Sự việc đã được Chi cục quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa kiểm tra, phát hiện và tạm giữ lô hàng gồm 13 nồi áp suất nhãn hiệu Sasuke, 13 máy xay sinh tố nhãn hiệu Sikama.
Riêng một số người dân đã mua hàng, mở các sản phẩm ra kiểm tra thì sản phẩm không có tem nhãn, các số điện thoại hotline của nhà sản xuất, phân phối tại thời điểm gọi đều báo không có thật và không liên lạc được. Khi người người dân thắc mắc về các thông tin bảo hành thì được cho rằng sản phẩm sẽ được bảo hành tại các siêu thị Metro, trong khi tại Thanh Hóa chưa có hệ thống siêu thị này.
Liên quan đến việc này, Cty cổ phần xây dựng và đầu tư thương mại Quyết Thắng cũng đã có đơn gửi cơ quan công an yêu cầu làm rõ việc Cty ViNaCo mạo danh tên công ty Quyết Thắng để bán hàng làm mất uy tín và thương hiệu của công ty. Đại diện cty Quyết Thắng cũng đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi của cty ViNaCo theo đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi qua điện thoại với Dân trí, ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Số lô hàng chúng tôi bắt thời điểm đó nhân viên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Hiện đơn vị đang đấu tranh, yêu cầu chủ công ty này vào để xuất trình xem có đầy đủ hóa đơn chứng từ không mới có phương án xử lý”.
Bình Minh