Yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt việc cho vay sân sau

Thảo Thu

(Dân trí) - Các ngân hàng thương mại được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; giám sát chặt hoạt động cấp tín dụng, biến động sở hữu cổ phần của cổ đông, cổ đông và người có liên quan…

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây có Văn bản số 3205 gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc một số vấn đề trong hoạt động của các tổ chức này. Văn bản có đề cập đến việc giám sát việc cấp tín dụng sân sau.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng được yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ; rà soát, theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng, biến động sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan, nhóm cổ đông cần quan tâm (nếu có).

Trong đó, các tổ chức cần kịp thời phát hiện, xử lý các tồn tại, vi phạm về sở hữu cổ phần, cấp tín dụng, góp vốn không đúng quy định, ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

Yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt việc cho vay sân sau - 1

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giám sát việc cho vay sân sau (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Thực tế, nội dung này siết chặt hơn tình trạng sở hữu chéo và lạm quyền cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông tại nhà băng cũng được Ngân hàng Nhà nước đề cập trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Cơ quan soạn thảo dự kiến siết chặt hơn giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng. Đơn cử, dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% xuống còn 10% tính trên vốn tự có nhà băng.

Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan cũng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, giảm so với quy định hiện hành là 25%.

Một cá nhân dự kiến không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng, trong khi quy định hiện nay là 5%. Còn một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng trong khi hiện tại là 15%, trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.

Ngoài ra, Văn bản số 3205 của Ngân hàng Nhà nước cũng có nội dung yêu cầu các tổ chức tín dụng cần tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế việc phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu (nhóm 3-5). Trong đó, các ngân hàng phải lưu ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, thực hiện phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, các nhà băng cũng phải tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ xấu và nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

Trong hoạt động cấp tín dụng, với ngân hàng có sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, cơ quan điều hành yêu cầu khẩn trương thực hiện các giải pháp xử lý quyết liệt vấn đề này, phối hợp chặt chẽ cổ đông lớn xây dựng giải pháp thoái vốn theo quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nhằm tuân thủ quy định của pháp luật.