Xuất siêu 85 triệu USD nửa đầu tháng 7
(Dân trí) - Với việc đạt được thặng dư thương mại trong nửa đầu tháng 7, mức thâm hụt từ đầu năm đến 15/7/2013 đã giảm xuống còn 755 triệu USD, tương đương 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động và linh kiện chậm lại trong khi xuất khẩu dệt may tăng tốc.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 7 (từ 1-15/7/2013) tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của cả nước đã đạt 10,23 tỷ USD, giảm 9,5% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 6.
Kết quả đạt được trong 15 ngày đầu tháng 7/2013 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2013 lên 134,11 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 66,68 tỷ USD, tăng 15% và nhập khẩu là gần 67,43 tỷ USD, tăng 15,2%.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 7 thặng dư 85 triệu USD, thu hẹp mức thâm hụt thương mại của cả nước tính từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2013 xuống 755 triệu USD, tương đương 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Về xuất khẩu, kim ngạch đạt được trong 15 ngày đầu tháng 7 là 5,16 tỷ USD, giảm 10,5% so với 15 ngày cuối tháng 6/2013.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh ở nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện (giảm 313 triệu USD), dầu thô (giảm 96 triệu USD), sắt thép các loại, than đá, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng… Ngược lại, xuất khẩu hàng dệt may lại tăng tới 137 triệu USD (đạt 881 triệu USD) so với kết quả thực hiện của nửa cuối tháng 6.
Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt 3,15 tỷ USD, giảm 11,2% so với 15 ngày cuối tháng 6/2013. Qua đó, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của khối FDI từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2013 lên 40,3 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 60,4% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2013 đạt 5,07 tỷ USD, giảm 8,4% so với 15 ngày cuối tháng 6/2013.
Nhập khẩu giảm mạnh nhất ở các nhóm hàng xăng dầu các loại (giảm 185 triệu USD), sắt thép các loại (giảm 118 triệu USD), dầu thô (giảm 80 triệu USD), điện thoại các loại và linh kiện (giảm 61 triệu USD)…
Trong khi đó, nhập khẩu tại một số nhóm hàng lại tăng cao so với kỳ 2 tháng 6 như đậu tương, nhóm nguyên liệu, phụ liệu ngành dệt may, da giày (gồm: bông, vải, sơ sợi dệt và nguyên phụ liệu)…
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 3,04 tỷ USD, tăng 1,5% so với 15 ngày cuối tháng 6/2013, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp này từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2013 lên 38,13 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 56,5% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Bích Diệp