Xuất khẩu tôm thêm khó do Hoa Kỳ tăng thuế chống bán phá giá

(Dân trí) - Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá tôm lần thứ 10 (POR10) cho giai đoạn từ ngày 1/2/2014 đến ngày 31/01/2015.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Trong kết luận sơ bộ, DOC đã lựa chọn 2 doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc với mức thuế là 2,86% và 4,78%. Từ đó, mức thuế sơ bộ của các bị đơn tự nguyện (bình quân gia quyền thuế suất của các bị đơn bắt buộc) là 3,56%.

Tuy nhiên, trong kết luận cuối cùng DOC chỉ lựa chọn duy nhất 1 bị đơn bắt buộc với mức thuế suất giữ nguyên so với quyết định sơ bộ là 4,78%. Vì vậy, các bị đơn tự nguyện cũng nhận mức thuế suất 4,78%. Thuế suất toàn quốc vẫn giữ nguyên ở mức 25,76%.

So với mức thuế cuối cùng của POR9 (công bố ngày 15/9/2015), mức thuế cuối cùng của POR10 đã bị tăng lên đáng kể, từ 0,91% tới 4,78% đối với cả công ty bị đơn bắt buộc và tự nguyện.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới biên độ phá giá tăng đáng kể trong POR10 là do DOC tiếp tục áp dụng phương pháp định giá phân biệt (differential pricing) (cho phép DOC tái sử dụng phương pháp quy về không- zeroing) để tính toán biên độ phá giá.

Như vậy, kể từ kết quả sơ bộ của POR8, DOC đã liên tục áp dụng phương pháp định giá phân biệt để tính biên độ phá giá cho các doanh nghiệp Việt Nam, khiến biên độ phá giá bị tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn tới mức thuế suất của POR10 cao hơn đó là vấn đề giá trị thay thế và nước thay thế. Trong các đợt rà soát hành chính tôm trước đây đối với Việt Nam, DOC thường lựa chọn Bangladesh làm nước thay thế để tính toán biên độ phá giá.

Trong POR10, mặc dù DOC vẫn xác định Bangladesh là nước thay thế chính (primary surrogate country) và sử dụng số liệu của nước này để định giá nguyên vật liệu đầu vào, tuy nhiên, đối với một số đầu vào nhất định, DOC sử dụng giá trị của Ấn Độ. Điều này cũng góp phần dẫn đến biên độ phá giá tăng lên cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới (sau Trung Quốc và Indonesia), với sản lượng từ 600.000 - 650.000 tấn/năm, nhưng dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú, với sản lượng 300.000 tấn.

Tôm cũng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản của Việt Nam, chiếm đến 50% tổng giá trị. Trong 10 năm qua, xuất khẩu tôm luôn duy trì mức tăng tưởng cao, trong khi đó xuất khẩu các mặt hàng khác lại có sự trồi sụt nhất định. Nếu như năm 2005 xuất khẩu tôm của Việt Nam mới chỉ đạt 1,37 tỷ USD thì sang năm 2014 đạt đến 3,95 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm trong năm 2015 lại giảm mạnh (giảm 25,3% so với năm 2014), chỉ đạt 2,95 tỷ USD.

10 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam chiếm đến 94,6%, gồm: Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN và Thụy Sĩ. Trong đó Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Tính riêng năm 2015, chúng ta xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 657 triệu USD.

Phương Dung