Xuất khẩu tăng vọt, nhập siêu ước chỉ còn 2,78 tỷ USD

(Dân trí) - Đóng góp vào thành tích kiểm soát nhập siêu dưới mức mục tiêu của 6 tháng đầu năm là do nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng và sắt thép, kim loại tăng cao để phục vụ các dự án đầu tư tăng.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Báo cáo mới công bố từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2017 đạt 97,7 tỷ USD, tăng 18,8%, là mức tăng cao so cùng kỳ của năm 2016 (cùng kỳ tăng 5,9%) do tăng được cả về giá (chủ yếu là nhóm nhiên liệu và nông sản) và về lượng (nhóm công nghiệp chế biến chế tạo và khoáng sản); và tăng cao qua các tháng.

Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản có mức tăng trưởng rất cao. 6 tháng tăng 40,2% với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,29 tỷ USD và tăng ở tất cả các mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, nổi bật là than đá (tăng 326%), dầu thô (tăng 36,2%), xăng dầu các loại (31,2%) do chủ yếu do giá xuất khẩu các mặt hàng tăng cao, đặc biệt là than đá có sự tăng trưởng đột phá cả về lượng xuất khẩu.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến 6 tháng tăng cao ở mức 19,1% với kim ngạch xuất khẩu đạt 78,56 tỷ USD. Trong đó: Ghi nhận sự tăng trưởng cao và ổn định của các ngành nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn có quy mô xuất khẩu lớn đã đóng góp vào mức tăng chung của nhóm như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Điện thoại các loại và linh kiện; Giầy dép các loại; Dệt may…

Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm - thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay tăng 16,7% với kim ngạch xuất khẩu đạt 12,1 tỷ USD.

Trong đó, nổi bật là sự tăng trưởng cao của nhóm rau quả (tăng 43,5%) và thủy sản (tăng 16,7%) với kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ, và sự gia tăng xuất khẩu trở lại của mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo sau một thời gian khá dài gặp khó khăn nhờ sự gia tăng xuất khẩu trở lại vào các thị trường truyền thống của Việt Nam như Malaysia, Bangladesh, Trung Quốc.

Theo Bộ Công Thương, đóng góp vào thành công về tăng trưởng của nhóm hàng nông lâm thủy sản là do công tác phát triển và mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ kết quả của các đoàn ngoại giao cấp cao thời gian qua.

Chẳng hạn, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ (đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải); Nhật Bản (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), Hàn Quốc (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), New Zealand (xoài, thanh long ruột trắng và đỏ), Úc (vải, xoài),...

Tuy nhiên, trong khi xuất khẩu rau quả tăng trưởng đáng kể thì nhập khẩu mặt hàng này cũng vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Bộ Công Thương cho biết, nhập khẩu rau quả tăng mạnh do các loại trái cây tại Việt Nam đang trong giai đoạn mất mùa do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán và xâm ngập mặn nên nguồn cung trái cây trong nước bị hạn chế.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu hàng hóa nói chung và trái cây nói riêng làm gia tăng các đầu mối nhập khẩu rau quả nên giá thành trái cây nhập khẩu giảm (cụ thể: thuế nhập khẩu theo cam kết của Việt Nam tại các FTA như ATIGA, AANZFTA, ACFTA, AKFTA, VKFTA… đều là 0% cho các loại trái cây; chỉ cần giấy kiểm dịch) và doanh nghiệp Việt Nam tăng cường nhập khẩu trái cây từ Thái Lan để chế biến và tái xuất gồm sầu riêng và nhãn.

Tính chung 6 tháng đầu năm, nhập siêu cả nước ước là 2,78 tỷ USD, chiếm 2,8% kim ngạch xuất khẩu (thấp hơn mức nhập siêu theo mục tiêu cả năm là 3,5% so với kim ngạch xuất khẩu). Đóng góp vào thành tích kiểm soát nhập siêu dưới mức mục tiêu của 6 tháng đầu năm là do nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng và sắt thép, kim loại tăng cao để phục vụ các dự án đầu tư tăng.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng, ước tính tổng vốn FDI thực hiện đạt khoảng 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực chế biến, chế tạo. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Điện lực Vĩnh Tân 1, Nhiệt điện Thăng Long cũng tăng cường nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ một số dự án về năng lượng; Viettel tăng nhập khẩu thiết bị phục vụ dự án 4G,..

Phương Dung