1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Máy móc, sắt thép đổ bộ ồ ạt, Việt Nam nhập siêu lớn 2,7 tỷ USD

(Dân trí) - Giá trị nhập khẩu các loại máy móc, sắt thép, nguyên liệu điện thoại, xăng dầu tăng cao trong thời gian vừa qua đang khiến kinh tế Việt Nam nhập siêu lớn.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 35,2 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu là 17,2 tỷ USD, giảm 1,9% và nhập khẩu đạt 18 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước. Riêng tháng 5, cả nước nhập siêu 800 triệu USD.

Nhập siêu khủng của nền kinh tế đang trở lại
Nhập siêu "khủng" của nền kinh tế đang trở lại

Luỹ kế hết tháng 5/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 161,28 tỷ USD tăng 20,7% so với cùng kỳ 2016; trong đó xuất khẩu là 79,3 tỷ USD, tăng 17,4%; nhập khẩu là 82 tỷ USD, tăng 23,9%. Cả nước nhập siêu 2,7 tỷ USD, (tương ứng thâm hụt thương mại 410 tỷ đồng/ngày).

Mức nhập siêu 5 tháng qua đã gần bằng với mức nhập siêu hơn 3 tỷ USD năm 2015, năm mà Việt Nam đã nhập siêu lớn do xóa bỏ nhiều loại thuế quan từ thị trường các nước ASEAN và thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo số liệu và lý giải của Tổng cục Hải quan, nhập siêu tăng trong thời gian gần đây một phần do tốc độ tăng giá trị xuất khẩu đang giảm dần, thấp đi. Trong khi đó, nhập khẩu ngày càng tăng mạnh, đặc biệt là nhập khẩu khối DN FDI ngày càng tăng

Cụ thể, trong các mặt hàng xuất khẩu đem về giá trị tỷ USD của Việt Nam, nhiều mặt hàng dù được ưu đãi thuế xuất khẩu của Việt Nam và nhập khẩu từ các nước song lượng và giá trị đang giảm. Riêng trong tháng 5/2017 xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã giảm 11%. Hết tháng 5/2017, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này chỉ đạt 12%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Trong tháng 5, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa hồi phục, trong đó có dệt may - thế mạnh xuất khẩu nhiều tỷ USD nhưng giá trị xuất khẩu chỉ tăng 1,4%; giá trị xuất khẩu dầu thô cũng giảm gần 6% so với cùng kỳ; mặt hàng thủy sản chỉ tăng 1%; gạo xuất khẩu giảm gần 1% giá trị.

Đáng nói, lũy kế hết tháng 5/2017, các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam đều chỉ tăng từ 8 - 12% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng ngành hàng điện tử, máy móc có tốc độ tăng trưởng trên 20%. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu do gia công, nhập nguyên liệu đầu vào lắp ráp nên giá trị gia tăng thấp.

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng như máy móc có giá trị nhập khẩu tăng rất mạnh lên 39% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng điện tử, máy vi tính, linh kiện điện tử sau 1 thời gian giảm giá trị nhập khẩu, giờ đây đã tăng khá mạnh trở lại với mức tăng từ 23 - 27% so với năm trước.

Đáng lưu ý, giá trị sắt thép thành phẩm nhập khẩu 5 tháng qua tăng mạnh đạt 36% so với cùng kỳ năm trước, cùng với đó, khối lượng mặt hàng này nhập về Việt Nam với gần 7 triệu tấn. Trong khi đó, giá trị xăng dầu nhập về Việt Nam các loại tăng 27,4% so với cùng kỳ 2016.

Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua có sự phụ thuộc vào yếu tố FDI quá nhiều. Xuất khẩu và nhập khẩu đều có màu sắc của FDI, minh chứng là khi Samsung xuất khẩu điện thoại bị thu hồi do lỗi, Việt Nam đã giảm hẳn tỷ trọng xuất khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu sắt thép thành phẩm, xăng dầu, máy móc, đồ gia dụng tại Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN đang tăng cao không thể nào cưỡng được, khiến Việt Nam chỉ chuyển đổi thâm hụt từ thị trường này sang thị trường khác, bản chất không hề giảm nhập siêu.

Theo Bộ KH&ĐT, trong năm 2017, Samsung Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD, tăng 10 tỷ USD so với năm 2016 (tăng 25% giá trị). Như vậy, việc Samsung giữ vững mục tiêu xuất khẩu theo kỳ vọng của Bộ KH&ĐT sẽ ổn định dần cán cân xuất nhập khẩu, chặn đà của nhập siêu.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm