Xử lý ngân hàng yếu kém: Tiếp tục mua 0 đồng hay cho phá sản?
(Dân trí) - Theo đánh giá của Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc NHNN mua 0 đồng với 3 ngân hàng VNCB, OceanBank, GPBank là dựa trên cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, về lâu dài cần tính đến việc cho phá sản ngân hàng yếu kém…
TS. Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: “Trước đây, khi thấy Ngân hàng Nhà nước mua 3 ngân hàng này với giá 0 đồng, tôi cũng rất băn khoăn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tôi thấy việc này là hợp lý”.
Theo bà Nga, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành mua 0 đồng với 3 ngân hàng: VNCB, OceanBank, GPBank là dựa trên cơ sở pháp lý. Còn về xác định giá mua, Điều 5, Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao thẩm quyền cho Thống đốc NHNN quyết định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng đó, quyết định hình thức mua cổ phần và thời gian thực hiện mua cổ phần.
Đánh giá về việc mua ngân hàng giá 0 đồng, TS.Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: “Mua ngân hàng với giá 0 đồng thực sự là phương sách vững chắc về mặt pháp lý. Điều 149 Luật Các tổ chức tín dụng nêu rõ, NHNN có quyền trực tiếp mua hoặc chỉ định tổ chức tín dụng khác mua lại ngân hàng yếu kém, những ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nếu ngân hàng đó không thực hiện được việc tăng vốn, không thực hiện phương án tăng vốn theo quy định của NHNN”.
Tham gia thảo luận tại Toạ đàm “Nhu cầu hoàn thiện pháp luận nhằm thục đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập” do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức, bà Lê Thị Nga và ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đều xác nhận các cơ sở pháp lý và trình tự, thủ tục để NHNN xử lý 3 ngân hàng đặc biệt yếu kém theo phương án mua bắt buộc giá 0 đồng.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, bà Nga khuyến nghị chỉ nên coi đây là giải pháp trước mắt, giải pháp tình thế.
“Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam cũng cho rằng, giải pháp mua lại bắt buộc 0 đồng với ngân hàng yếu kém của NHNN chỉ nên là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng; thông qua đó, nguyên tắc kỷ luật thị trường được tăng cường đối với cả cổ đông và người gửi tiền”, bà Nga nhấn mạnh.
Dẫn những quy định tại Luật Phá sản (sửa đổi), được Quốc hội Khóa XIII thông qua, bà Nga cho rằng, luật này đã mở ra hành lang pháp lý cho việc thực hiện các thủ tục phá sản TCTD theo con đường tòa án.
“Đây là phương án cần được tính đến, được các chuyên gia khuyến nghị. Để một ngân hàng phá sản sẽ là một bài học tốt cho cả giới ngân hàng lẫn người dân gửi tiền, một biện pháp hữu hiệu chống lại thói “ỷ thế làm liều” của cả 2 bên".
Vị đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, cơ quan này đang đề nghị NHNN phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn tiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phá sản để có thể thực hiện được quy định phá sản đối với TCTD trong thời gian tới.
Bởi theo bà Nga, về mặt pháp lý Điều 155, Chương VIII Luật các TCTD đã dự liệu tình huống và cho phép mở thủ tục phá sản của các TCTD. Nhưng trong giai đoạn 2011 - 2015 với mục tiêu không để xảy ra đổ vỡ, mất an toàn hoạt động ngân hàng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô… nên chủ trương của Chính phủ là chưa áp dụng phá sản TCTD theo quy định của Luật Phá sản trong thời điểm hiện tại.
Theo Luật Phá sản (sửa đổi), sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán thì những người như: chủ nợ; người lao động, công đoàn; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông; thành viên hợp tác xã có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Tổ chức tín dụng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; trong trường hợp tổ chức tín dụng không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đó…
Nguyễn Hiền