Xử lý đầu cơ xăng dầu: Lực bất tòng tâm!
Sau khi giá xăng dầu tăng thì hầu hết các cửa hàng trước đây treo biển ngừng bán với lý do “hết hàng”, “tạm nghỉ”, “mất điện”… đã nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường (!?).
Khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thì hầu hết các lý do cửa hàng đưa ra đều chính đáng, còn những cửa hàng có dấu hiệu vi phạm thì không dễ dàng xử lý.
Tại Đà Nẵng, khi được người dân thông tin đến các cơ quan chức năng có dấu hiệu vi phạm găm hàng, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tiến hành kiểm tra 8 cửa hàng xăng dầu nhưng hầu hết họ đều đưa ra lý do… xác đáng. Đơn cử như cửa hàng xăng dầu Trung tâm TDTT Quốc phòng 3 (Công ty TNHH Nhật Khánh) đưa ra lý do “đang hàn cột chống sét”. Cửa hàng xăng dầu số 2, cũng thuộc Công ty TNHH Nhật Khánh ngưng bán 2 ngày 3-4/3, lấy lý do lắp đặt biển quảng cáo cũng… ngừng bán.
Một số cửa hàng khác, thực tế kiểm tra cho thấy, mức xăng tồn không đủ để bơm lên cột nên đã không bán hàng nữa. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Tuấn Hà- Chi cục trưởng Chi cục QLTT Đăk Lăk - khẳng định, trên địa bàn tỉnh có khoảng 400 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, không phát hiện được cửa hàng nào đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá. Còn ông Trần Khánh - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Đăk Nông- cho biết, ngày 9/3, lực lượng QLTT đã thành lập 2 đoàn thanh, kiểm tra 7 cửa hàng có nghi ngờ vi phạm kinh doanh xăng dầu. Các đoàn sẽ tập trung vào các loại hóa đơn, chứng từ ngày 1 đến 5/3, nếu phát hiện trường hợp ngừng bán để chờ tăng giá xăng, làm ảnh hưởng đến tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng sẽ xử phạt nghiêm theo đúng quy định.
Ngay sau khi có quyết định tăng giá xăng dầu, Cục QLTT đã gửi công điện khẩn đến tất cả các Chi cục QLTT trên toàn quốc yêu cầu thực hiện ngay việc kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu sau khi tăng giá. Kịp thời phát hiện các hành vi lợi dụng việc điều chỉnh giá xăng dầu để thu lợi bất chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quyết định của pháp luật”. Việc ban hành công điện khẩn này nhằm ngăn chặn hiện tượng một số trạm xăng lợi dụng việc điều chỉnh giá lần này để tăng vượt mức quy định.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn cũng đã từng tiết lộ, găm hàng, đầu cơ xăng dầu cũng không khó nếu các cửa hàng biết tìm đúng “kẽ hở”. Đơn cử như khi nắm được thông tin xăng dầu có khả năng tăng giá, doanh nghiệp sẽ mua một lượng lớn xăng dầu, thanh toán đầy đủ, rồi lấy lý do chậm lấy hàng để gửi tại tổng kho của doanh nghiệp đầu mối. Vài ngày sau khi tăng giá, doanh nghiệp sẽ đưa hàng về bán kiếm lời. Do đó, khi cơ quan chức năng có kiểm tra kho của cửa hàng cũng thấy số lượng hàng tồn tại bể chứa rất ít…