Xóa bỏ kinh doanh vàng miếng - không nên quá lo lắng

(Dân trí) - Giao dịch ngoại tệ, xóa bỏ kinh doanh vàng miếng hay lạm phát… những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm đều đã được Thống đốc Ngân hàng nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ tại nghị trường.

Không nhà đầu tư nào chi ra lại không thu hồi vốn
 
Tại phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội hôm 26/3, có khá nhiều ý kiến quan tâm đến phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng ngân sách nhà nước năm 2011 từ tiền lãi dầu khí để lại đầu tư cho Tập đoàn dầu khí Quốc gia (PVN).
 
Xóa bỏ kinh doanh vàng miếng - không nên quá lo lắng  - 1
Đại biểu Nguyễn Văn Ba
 
Theo đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa), nói về lý thì cách chi như vậy hoàn toàn đúng nhưng vấn đề là sử dụng vốn ấy của nhà nước sao cho hiệu quả.
 
Trong khi thực tế, tình hình quản lý các tập đoàn nhà nước rất lộn xộn. Nhà nước chưa quản lý được nguồn vốn mà mình bỏ ra, chưa được kiểm tra giám sát và kiểm toán một cách đầy đủ trong vốn.
 
“Cần phải công bằng với mọi thành phần kinh tế, ko thể đưa các tập đoàn nhà nước nằm ngoài hoặc nằm trên chính sách kinh tế mà phải đưa vào trong cơ chế điều hành có tính cạnh tranh.
 
Đồng thời, nhà nước cần phải kiểm soát được đồng tiền của mình giống như nhà tư bản, phải quản lý được kế hoạch kinh doanh, trách nhiệm người quản lý và cuối cùng phải có xử lý nghiêm” - đại biểu Ba nói.
 
Xóa bỏ kinh doanh vàng miếng - không nên quá lo lắng  - 2
Đại biểu Phạm Thị Loan
 
Đáng chú ý, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho biết, theo báo cáo của PVN, việc sử dụng 3.500 tỷ đồng mới đầu dự kiến là dành cho 3 dự án, sau chỉ có 1 dự án. qua đó cho thấy cơ chế và kế hoạch sử dụng không đồng nhất, tùy tiện.
 
Bên cạnh đó, năm 2011, PVN dự định đầu tư 105.000 tỷ đồng. Tập đoàn Vinashin đầu tư 86.000 tỷ đồng thì hậu quả như thế này. “Vậy dầu khí đầu tư như thế thì sao? Ai là người duyệt? bởi đây là tập đoàn của nhà nước, rốt cục nhà nước chịu trách nhiệm và đây cũng là tiền của dân.
 
Chúng tôi đề nghị cần phải xem xét lại, kiểm tra giám sát số tiền đầu tư của các tập đoàn kinh tế, việc sử dụng vốn như thế nào. Được biết có tới 120.000 tỷ đồng chưa được nộp về cho nhà nước, trong khi không có nhà đầu tư nào chi ra rồi lại không thu hồi vốn” - đại biểu Loan nói.
 
Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó nhấn mạnh tới phương án quản lý và sử dụng vốn nhưng kết thúc phiên họp, Quốc hội vẫn nhất trí cho phép PVN được sử dụng số tiền nói trên. Tuy nhiên, thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh, khi tiến hành đầu tư, PVN và các cơ quan chức năng cần đảm bảo đúng quy trình, mục đích và khả năng hoàn vốn.
 
“Chúng ta cứ tạo ra khuyết điểm rồi sửa chữa…”
 
Xóa bỏ kinh doanh vàng miếng - không nên quá lo lắng  - 3
Đại biểu Trần Du Lịch
 
Nhận xét về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, có 3 điểm đáng chú ý: GDP tăng thêm 0,58% nhưng lạm phát không kìm được 1 con số; Bội chi ngân sách tăng trong khi cơ hội tăng thu lớn; Xuất khẩu tăng mạnh nhưng đồng Việt Nam lại mất giá kép (do đồng đô la cũng bị mất giá).
 
Lạm phát - mất giá đồng tiền - bao cấp quá lâu một số hàng hóa thiết yếu (như điện xăng) đã đặt Chính phủ vào vào tình thế giải quyết đồng bộ 3 vấn đề ngay đầu năm và một mặt nào đó chấp nhận một mặt bằng giá mới để điều hành. Đây là toa thuốc đúng nhưng vấn đề là liệu có đúng liều và đúng lúc không?
 
Cùng đồng tình với các giải pháp kinh tế của Chính phủ, đặc biệt là đối với Nghị quyết 11 vừa qua, nhưng theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Bá Hiền (Lâm Đồng), Chính phủ cần điều hành một cách linh hoạt.
 
Ví dụ năm 2007 chúng ta quá tập trung cho đầu tư, rồi đến năm 2008 thì thắt chặt. Chúng ta cứ tạo ra khuyết điểm rồi sửa chữa khuyết điểm, sau đó là báo cáo thành tích…
 
Xóa bỏ kinh doanh vàng miếng - không nên quá lo lắng  - 4
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu
 
Trước vấn đề mua bán ngoại tệ đang được cử tri đặc biệt quan tâm, tại nghị trường, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giầu cũng đã khẳng định cùng với việc quản lý mạnh mẽ trên thị trường tự do, mạng lưới ngân hàng đã mở rộng phục vụ được nhân dân.
 
Trong đó Hà Nội có 1.869 điểm phục vụ, ngoài ra có 44 điểm thu đổi ngoại tê. TPHCM có 1.329 điểm thuộc hệ thống các tổ chức tín dụng và 59 đại lý được thu đổi. Và về cơ bản giá của thị trường tự do so với giá công bố của nhà nước thu hẹp lại.
 
“Đối với mặt hàng vàng, trong NQ 11 có nội dung tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Việc này thực hiện theo lộ trình chứ không có chuyện làm ảnh hưởng tới tổn thất của người dân” - ông Giàu lưu ý.
 
Còn về chỉ số lạm phát tăng cao như vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho hay: tình hình giá cả hàng hóa thế giới tăng cao trong thời gian qua đã khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới đều lạm phát cao, chứ không riêng gì Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, muốn giảm bội chi, tăng xuất khẩu cần phải có lộ trình, mà gốc vấn đề ở đây là chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Áp lực tăng chi lớn, hiệu quả đầu tư dàn trải làm chỉ số ICOR cao, những cái đó cũng tác động lớn đến chỉ số giá. Rồi đời sống của người dân chưa đi theo giá thị trường, nay phải điều chỉnh không kiềm chế được nữa…
 
Mặc dù vậy, song Bộ trưởng cũng cho biết, các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân vẫn tiếp tục được chú trọng, giúp cho người nghèo ổn định cuộc sống; Mặt khác, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ như: thắt chặt ngân sách; tăng thu từ chống thất thu gian lận thuế, tăng cường công tác thanh kiểm tra ở những doanh nghiệp khai lỗ nhiều, có dấu hiệu chuyển giá…
 
Lan Hương
ảnh: Việt Hưng