Xổ số kiến thiết "góp" 10.000 tỷ đồng cho Nhà nước trong quý I

(Dân trí) - Chỉ trong quý I/2017, nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đã đạt 41,5% dự toán cả năm và vừa mới được đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015.

Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2017, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho hay, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết vừa mới được đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) theo Luật NSNN 2015. Theo đó, thu từ hoạt động này trong quý I/2017 ước đạt 10.000 tỷ đồng, tương đương 41,5% dự toán cả năm.

Kinh doanh xổ số là một hoạt động độc quyền Nhà nước và ngày càng đóng góp đáng kể vào ngân sách.
Kinh doanh xổ số là một hoạt động độc quyền Nhà nước và ngày càng đóng góp đáng kể vào ngân sách.

Trước đó, báo cáo về kết quả kinh doanh của các công ty xổ số năm 2016 cho thấy sự tăng trưởng đáng kể, bao gồm cả xổ số kiến thiết lẫn xổ số điện toán.

Theo thống kê của Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam, trong năm 2016, doanh thu tiêu thụ toàn khu vực đạt 66.700 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm trước. Số tiền nộp ngân sách khoảng 22.300 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD), tăng 9% so với năm trước

Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam gồm 22 công ty, trong đó có cả Vietlott. Năm qua, riêng Vietlott đã đạt mức doanh thu 1.600 tỷ đồng.

Doanh thu công ty xổ số điện toán đặc biệt tăng đột biến sau khi xuất hiện giải Jackpot đầu tiên vào tháng 10/2016, nâng doanh thu trung bình từ 2,12 tỷ đồng/ngày trong giai đoạn từ tháng 7 - tháng 9 lên 11,2 tỷ đồng/ngày trong tháng 10 - 11. Đến tháng 12, con số này đã chạm mốc 14,2 tỷ đồng.

Tại buổi công bố vừa qua, vị chuyên gia VEPR cũng nhận định, hiện nguồn thu ngân sách đang có hiện tượng chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng thu nội địa trong bối cảnh nguồn thu từ xuất nhập khẩu giảm khiến NSNN có nhiều khó khăn.

Cụ thể, kể từ cuối năm 2014, giá dầu thô thế giới giảm nhanh cùng với khó khăn trong các nguồn thu hoạt động xuất nhập khẩu đã khiến Chính phủ buộc phải điều chỉnh kế hoạch thu ngân sách. Tỷ lệ thu nội địa theo dự toán tăng nhanh trong hai năm trở lại đây. Tỷ lệ này tăng từ mức 70,1% dự toán năm 2015 lên 77,4% và 81,7% trong dự toán hai năm 2016-2017.

Trong số đó, một số khoản thu nhỏ đã được điều chỉnh tăng mạnh, bao gồm thu từ phí, lệ phí (chủ yếu là lệ phí trước bạ, tăng từ 1,7% lên 2,2%); thuế bảo vệ môi trường tăng từ 1,4% lên 3,7% và thu về nhà đất (chủ yếu là thu tiền sử dụng đất, tăng từ 4,3% lên 5,3%).

Trong khi đó, dự toán thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đều giảm rõ rệt. Dự toán thu ngân sách từ dầu thô năm 2017 chỉ còn 38.300 tỷ đồng, chiếm 3,2% tổng thu, giảm mạnh từ mức 10,2% năm 2015 và 5,4% năm 2016. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu không đổi theo giá trị tuyệt đối ở mức 175.000-180.000 tỷ đồng, song đã giảm đáng kể về tỷ trọng so với tổng thu dự toán.

Về tình hình thu chi NSNN quý I/2017, tổng thu ngân sách ước đạt 280.900 tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán. Trong đó, một số nguồn thu có tỷ lệ thu cao như thu tiền sử dụng đất (22.600 tỷ đồng, tương ứng 35,5% dự toán), thu thuế thu nhập cá nhân (24.600 tỷ đồng, tương ứng 30,3% dự toán), thu từ dầu thô (11.100 tỷ đồng, tương ứng 28,9% dự toán).

Tổng chi NSNN quý I ước đạt 284.960 tỷ đồng và bằng 16,5% dự toán. Trong đó, chi thường xuyên đạt 211.200 tỷ đồng, bằng 23,6% dự toán và chiếm 74,1% tổng chi NSNN. Chi dành cho đầu tư phát triển tiếp tục được đánh giá là thấp, ước tính ở mức 44.200 tỷ đồng và tương đương 12,4% so với dự toán.

Lý giải cho nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, Viện trưởng VEPR cho biết, một phần do quá trình phân bổ dự toán chi tiêu đầu tư công tại các địa phương còn chậm. Theo VEPR, điều này cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tăng ở mức thấp trong quý I vừa qua.

Bích Diệp