Xin cấp phép đầu tư, 6 tháng mới được Bộ trả lời "không có thẩm quyền" (!?)
(Dân trí) - Các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn yêu cầu bản cứng, trao đổi thông tin qua bưu điện, Sở KH&ĐT gửi lên các Bộ, nhưng phải chờ 6 tháng mới nhận được tin: "Bộ không có thẩm quyền..."
Đây là chia sẻ của ông Fred Burke, đại diện của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) tại Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính tại Hội nghị hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19 được diễn ra tại Hà Nội chiều nay (26/5).
Theo ông Fred Burke, hiện các cơ quan và Chính phủ Việt Nam đã trở lại chế độ làm việc bình thường, tuy nhiên, các thủ tục hành chính tại các cơ quan khác nhau vẫn còn rất nhiều thách thức.
"Nhiều quốc gia nơi mà các nhà đầu tư nước ngoài từ các nước như Mỹ, Anh, châu Âu, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông,.. vẫn còn đang bị phong tỏa, và việc lấy các tài liệu được hợp pháp hóa lãnh sự và chữ ký tươi từ các nước này đã và đang là một thách thức và điều này đã gây trì hoãn việc nộp hồ sơ cho các thủ tục tại Việt Nam trung bình là khoảng 2 tháng", đại diện Amcham nói.
Đặc biệt, về vấn đề cấp phép kinh doanh và đầu tư, đại diện hiệp hội doanh nghiệp Mỹ cho biết, hiện nhiều Bộ, ngành của Việt Nam vẫn rất chậm trễ, thiếu thông tin với nhau.
Ông Fred Burke nói: "Các cơ quan chức năng của Việt Nam cùng chịu trách nhiệm về các khâu khác nhau trong các thủ tục cấp phép, điều này khiến quy trình cấp phép tại Việt Nam rất lâu bởi họ không có phương thức trao đổi thông tin với nhau".
"Những cơ quan chức năng vẫn trao đổi thông tin qua bưu điện, và việc gửi thư giữa các tỉnh thành khác nhau có thể mất tới 1 đến 2 tuần trong thời gian của dịch Covid-19. Hơn nữa, trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các tỉnh xin chấp thuận bằng văn bản từ rất nhiều Bộ", đại diện Amcham kể lại.
"Tuy nhiên, khi các Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ đến một vài Bộ mà họ nghĩ có thẩm quyền quản lý Nhà nước (như Bộ KH&ĐT, Bộ Công thương, Bộ TT&TT, ...) và chờ trả lời. Nhưng thỉnh thoảng, các Bộ lại đưa ra quan điểm họ không có thẩm quyền chịu trách nhiệm về vấn đề được hỏi. Họ chờ mất 6 tháng, và sau đó trả lời với Sở KH&ĐT là Bộ không có thẩm quyền chịu trách nhiệm về vấn đề đó", ông Fred Burke cho hay.
Đại diện Amcham khẳng định: "Quy trình xin ý kiến chấp thuận về nguyên tắc này rất không hiệu quả".
Ngoài ra, một vấn đề sau dịch bệnh cũng được ông Fred Burke đưa ra là giấy phép nhập khẩu. Đại diện Amcham cho biết: Thời gian qua, do dịch Covid-19, nhiều giấy phép nhập khẩu của một số công ty hết hạn trước ngày thiết bị được giao hàng.
Đến nay, khi hết dịch, họ chưa xin được giấy phép, lại phải chờ và việc không nhập được thiết bị đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của những công ty đó tại Việt Nam.
Amcham đề xuất Chính phủ ban hành quy định để gia hạn giấy phép nhập khẩu, cho phép doanh nghiệp có thêm thời gian để nhập khẩu thiết bị.
Nguyễn Tuyền