Đạm Ninh Bình thua lỗ triền miên: Hé lộ nhiều khúc mắc với nhà thầu Trung Quốc

(Dân trí) - Liên quan tới dự án nhà máy Đạm Ninh Bình, trong một báo cáo mới đây gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Dự án Đạm Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã có báo cáo về những tồn tại của Hợp đồng EPC với nhà thầu Trung Quốc Hoàn Cầu.

Sau 16 lần đàm phán, chủ đầu tư vẫn chưa đạt được thống nhất nhiều nội dung với phía nhà thầu Hoàn Cầu.
Sau 16 lần đàm phán, chủ đầu tư vẫn chưa đạt được thống nhất nhiều nội dung với phía nhà thầu Hoàn Cầu.

Hợp đồng EPC có hiệu lực từ ngày 30/4/2008. Sau khi hoàn thành xây dựng, lắp đặt, chạy thử đơn động từ hạng mục trong nhà máy, nhà thầu HQC đã đề nghị chủ đầu tư được chạy nghiệm thu lần 1 từ ngày 19/9/2012-22/9/2012. Kết quả chưa hoàn toàn đạt yêu cầu về thông số đảm bảo theo Hợp đồng EPC. Tuy nhiên, ngày 24/9/2012, nhà thầu Hoàn Cầu đã bàn giao quyền điều hành cho chủ đầu tư.

Tháng 11/2013, khi công suất từng công đoạn đã được nâng lên trên 90% thiết kế và vận hành chạy máy dài ngày, nhà thầu HQC đã đề nghị chủ đầu tư cho phép tiến hành khảo nghiệm lần 2 từ ngày 9/22-12/11/2013. Kết quả vận hành khảo nghiệm lần 2 cơ bản đạt quy định trong hợp đồng về công suất, về chất lượng sản phẩm, về định mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu và thông số về môi trường. Tuy nhiên, còn 5/46 thông số chưa đạt giá trị nhưng vẫn nằm trong dải thông số được nghiệm thu và chịu bồi thường theo hợp đồng.

Để có cơ sở quyết toán gói thầu EPC, từ đầu năm 2013 đến nay, Tập đoàn đã tiến hành họp đàm phán chính thức với nhà thầu 16 cuộc, trong đó 5 cuộc đàm phán do Tổng Giám đốc 2 bên chủ trì để giải quyết các tồn tại của hợp đồng. Cuộc đàm phán cấp cao cuối cùng họp từ ngày 22-24/10/2016.

Tại cuộc đàm phán cuối cùng, 2 bên đã thống nhất được 6 vấn đề, trong đó có các nội dung quan trọng như thời điểm để tính mốc hoàn thành công trình là 23/12/2012; các thống số đảm bảo không đạt và nhà thầu phải bồi thường cho chủ đầu tư với giá trị bồi thường cho 5 hạng mục không đạt là hơn 1,6 triệu USD.

Hai bên cũng thống nhất 41 hạng mục tồn tại xây dựng dự toán lập là hơn 20 triệu USD, chi phí khắc phục tồn tại hơn 21,3 triệu USD được trừ vào giá trị thanh quyết toán hợp đồng. Đồng thời, thống nhất chi phí xử lý khắc phục tồn tại trong xây lắp 1,3 triệu USD và hơn 41 tỷ đồng sẽ được trừ vào giá trị hợp đồng khi quyết toán. Thời gian chậm tiến độ do các nguyên nhân khách quan đã được 2 bên thống nhất kéo dài là 47 ngày.

Dù vậy, vẫn có tới 10 vấn đề chưa được 2 bên thống nhất. Trong đó, về chi phí chạy thử lần 2, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu chịu toàn bộ chi phí chạy thử nhưng nhà thầu không chấp nhận. Cuối cùng, nhà thầu đề xuất chịu 190 tỷ đồng tiền than vượt và không yêu cầu thanh toán cho 1 hạng mục 14 tuyến đường nội bộ không nghiệm thu.

Đáng lưu ý, kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực tới ngày bàn giao, chậm 60 tuần so với tiến độ nhưng nhà thầu vẫn giữ quan điểm cho rằng việc chậm tiến độ là do các nguyên nhân khách quan khác nữa. Các nguyên nhân này không được phía chủ đầu tư chấp nhận.

Về vấn đề thanh toán, phạt chậm thanh toán, đến thời điểm ngày 20/12/2016, chủ đầu tư đã thanh toán hơn 463,9 triệu USD, còn lại 48,8 triệu USD. Trong quá trình thực hiện dự án, do vấn đề nguồn vốn nên có việc chậm thanh toán cho nhà thầu. Chủ đầu tư chấp nhận chịu phạt chậm thanh toán với số tiền đã được thống nhất tuy nhiên nhà thầu yêu cầu phải tính phạt thêm cả các mã hoá đơn hai bên đã kiểm tra xác nhận không đủ điều kiện thanh toán, cần bổ sung hoàn thiện.

Ngoài ra, các nội dung về thay đổi thiết kế xây dựng, quan trắc lún công trình, bàn giao hồ sơ hoàn công và hồ sơ gốc, quyết toán máy móc và trang thiết bị nhập khẩu, các tồn tại với địa phương, báo cáo quyết toán hợp đồng cũng được hai bên chưa thống nhất.

Trước những tồn tại với nhà thầu, ngày 16/12/2016, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị nhà thầu thông báo ý kiến cuối cùng về các tồn tại của Hợp đồng EPC hiện chưa được hai bên thống nhất để chủ đầu tư xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền, kết thúc đàm phán. Tời thời điểm lập báo cáo là cuối tháng 12, Ban Quản lý dự án vẫn chưa nhận được báo cáo này.

Trên cơ sở 16 phiên đàm phán, Ban Quản lý dự án đã xin ý kiến chỉ đạo của Tập đoàn Hoá chất về những tồn tại của hợp đồng EPC. Đồng thời kiến nghị cho phép thực hiện quyết toán dự án trong trường hợp nhà thầu chậm hoặc không bàn giao hồ sơ hoàn công và báo cáo quyết toán trong quý I/2017.

Phía Ban Quản lý dự án cũng kiến nghị cho phép khai thác bổ sung máy móc, vật tư, thiết bị khai hải quan thiếu so với thực tế là 49,2 triệu USD để giảm chi phí đầu tư dự án; đồng thời cho phép tiếp tục vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các ngân hàng trong nước để trả hết giá trị còn phải thanh toán cho nhà thầu khi quyết toán...

Phương Dung